Kinh tế Trung Quốc: Làm sao để hồi sinh từ khủng hoảng?

Việc Trung Quốc kịp thời kiểm soát dịch bệnh mang lại tính ổn định và an toàn cho sự vận hành bình thường của chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng cường tính gắn kết về bố cục của công ty xuyên quốc gia.
Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thế giới, bên cạnh những quốc gia ủng hộ và cam kết với tiến trình toàn cầu hóa, một số quốc gia khác lại tỏ ra miễn cưỡng khi nhắc đến vấn đề này.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi thế giới đón nhận cú sốc là đại dịch COVID-19. Đại dịch đã gây ra thách thức chưa từng có đối với sự ổn định và thông suốt của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ việc thiếu hụt vật tư phòng dịch, sản xuất đình trệ, đến nguồn cung vaccine không đủ, ngành sản xuất thiếu chip, vấn đề rủi ro của chuỗi cung ứng đang ngày càng nổi cộm trên phạm vi toàn cầu.

[Những "mảng màu sáng" của bức tranh kinh tế Trung Quốc]

"Cơn khát" chip hiện nay chính là ví dụ điển hình. Từ các ngành như điện thoại di động, tivi, máy tính, ôtô, cho đến các lĩnh vực 5G, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, xe tự hành… đều gặp khó khăn do thiếu chip. Điều này cũng khiến cho ngày càng nhiều quốc gia nhận thức được rằng bố trí chuỗi cung ứng không thể “bỏ trứng vào cùng một giỏ.”

Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc kịp thời kiểm soát dịch bệnh đã mang lại tính ổn định và an toàn cho sự vận hành bình thường của chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng cường tính gắn kết về bố cục của các công ty xuyên quốc gia.

Thậm chí, một số phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin rằng một loạt công ty xuyên quốc gia từng có ý định rời khỏi Trung Quốc lại đang lên kế hoạch nhanh chóng chuyển các nhà máy ở Đông Nam Á quay trở lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bởi vì kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Trung Quốc ngày càng trở thành nơi sản xuất đáng tin cậy.

Nâng cao tính cạnh tranh trên trường thế giới

Đứng trước sự hỗn loạn của thị trường trong những tháng gần đây và xu hướng phát triển tập trung cao độ của một số ngành nghề, một loạt biện pháp giám sát được Chính phủ Trung Quốc ban hành.

Đây được gọi là những hành động thực chất và cần thiết để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các ngành nghề liên quan, thúc đẩy công bằng xã hội, từ đó nâng cao tính cạnh tranh trên trường quốc tế.

“Báo cáo thường niên thực thi pháp luật chống độc quyền của Trung Quốc năm 2020” do Tổng cục quản lý giám sát thị trường quốc gia công bố cho thấy dưới góc độ hành vi độc quyền, số lượng kết án liên quan đến “lạm dụng quyền lực hành chính để loại trừ và hạn chế cạnh tranh” là tương đối lớn. Xét về góc độ lĩnh vực, hoạt động thực thi pháp luật chống độc quyền liên quan đến lĩnh vực dịch vụ công ích, dược… là tương đối nhiều.

Điều này đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng động thái chống độc quyền của chính phủ là nhằm vào các hành vi vi phạm pháp luật, chứ không phải nhằm vào các doanh nghiệp thuộc chế độ sở hữu đặc biệt và càng không nhằm vào các doanh nghiệp đặc biệt có chế độ sở hữu đặc biệt.

Kinh tế Trung Quốc trải qua nhiều thập kỷ phát triển liên tục và đã tích lũy được nguồn vốn khổng lồ.

Việc ngăn chặn sự mở rộng vốn một cách mất trật tự đã được thực hiện thông qua định hướng và chuẩn mực, để đảm bảo nguồn vốn phục vụ đại cục phát triển kinh tế xã hội, phát huy tác dụng tích cực trong thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển kinh tế thị trường và mang lại thuận lợi cho đời sống người dân, bên cạnh việc tham gia cạnh tranh quốc tế.

Các số liệu cho thấy dưới sự dẫn dắt của một loạt chính sách, việc sử dụng dòng vốn đúng mục đích đang dần mang lại sự thay đổi đáng kể trong đổi mới công nghệ, lĩnh vực năng lượng mới, ngành sản xuất cao cấp, Internet công nghiệp.

Trong khi đó, Trung Quốc là một trong những nước được công nhận đi đầu trong phát triển nền kinh tế số trên toàn cầu, nên nước này cần thông qua chuẩn hóa quản trị để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các ngành nghề.

Giải quyết các vấn đề nội bộ

Bên cạnh việc cải thiện vị thế toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc cũng phải đối mặt với bài toán nội bộ. Đó là làm thế nào để củng cố và mở rộng thành quả xóa đói giảm nghèo gắn liền với việc hồi sinh hiệu quả khu vực nông thôn?

Sau khi giành được thắng lợi trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, Bắc Kinh xác định cần thúc đẩy toàn diện việc hồi sinh khu vực nông thôn.

Sau khi hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, thời gian chuyển tiếp kể từ thời điểm thoát nghèo đối với các huyện đã thoát nghèo là 5 năm. Trong thời gian chuyển tiếp, các địa phương cần duy trì ổn định tổng thể các chính sách hỗ trợ chủ yếu.

Xoay quanh vấn đề thúc đẩy củng cố và mở rộng thành quả xóa đói giảm nghèo gắn liền với hồi sinh nông thôn một cách hiệu quả, Trung Quốc đã thiết lập cơ chế giám sát và hỗ trợ ngăn chặn tái nghèo để giúp đỡ chuẩn xác những đối tượng được nhận định dễ tái nghèo.

Bắc Kinh muốn triển khai thực hiện tốt việc kết nối chính sách, lực lượng, tài chính, bảo đảm sự liên tục và ổn định của chính sách, tiếp tục hỗ trợ thực hiện tốt công tác xóa nghèo sau di dời tái định cư.

Hiện nay, việc điều chỉnh các tổ chức và lực lượng hồi sinh nông thôn về cơ bản đã được thực hiện, hơn 30 chính sách nối tiếp đã được thúc đẩy ổn định, xác định 160 huyện trọng điểm để hồi sinh nông thôn trên cả nước, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt, thực hiện chương trình “vạn nghiệp hưng vạn thôn.” Đến cuối tháng Chín năm nay, có khoảng 5 triệu người được đưa vào diện giám sát ngăn chặn tái nghèo.

Dân tộc muốn phục hưng, nông thôn phải hồi sinh. Chiều sâu, chiều rộng và mức độ khó khăn của việc thực hiện toàn diện chiến lược hồi sinh nông thôn tại Trung Quốc đều không thua kém công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Công cuộc này yêu cầu phải tăng cường thiết kế thượng tầng, sử dụng các biện pháp mạnh hơn và tập hợp lực lượng mạnh hơn để thúc đẩy.

Mấu chốt của việc triển khai chính là tập trung vào “hai đảm bảo,” “hai quan trọng” và “hai khởi đầu tốt”: đảm bảo sản lượng lương thực duy trì ở mức trên 650 triệu tấn, đảm bảo không xuất hiện tình trạng tái nghèo mang tính quy mô; giải quyết tốt hai vấn đề quan trọng  là giống và đất canh tác; tạo ra khởi đầu tốt của thúc đẩy toàn diện hồi sinh nông thôn và đẩy nhanh hiện đại hóa nông thôn.

Bảng thành tích khởi đầu thể hiện ấn tượng mạnh mẽ. Sản lượng lương thực cả năm đạt mốc kỷ lục mới, liên tiếp 7 năm duy trì trên ngưỡng 650 triệu tấn.

Cảnh vắng vẻ tại một chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong ba quý đầu năm, thu nhập khả dụng của người nông thôn đạt 13.726 nhân dân tệ, tăng trưởng thực tế 11,2% sau khi trừ yếu tố lạm phát, tỷ lệ phổ cập nhà vệ sinh nông thôn trên 60%, các chế độ bảo hiểm như y tế, giáo dục và dưỡng lão… nhanh chóng được hoàn thiện, năng lực quản trị nông thôn không ngừng được cải thiện.

Cần xác định thúc đẩy toàn diện hồi sinh nông thôn là một nhiệm vụ lịch sử quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa toàn diện, thúc đẩy thịnh vượng chung của toàn thể người dân.

Giảm thiểu rủi ro vỡ nợ ở khu vực tư nhân

Từ nửa cuối năm đến nay, áp lực suy giảm kinh tế gia tăng, rủi ro và thách thức bên trong lẫn bên ngoài cũng tăng, khiến một số doanh nghiệp tư nhân xuất hiện khủng hoảng nợ.

Trải qua nỗ lực liên tục nhiều năm, hiện nay cuộc chiến phòng ngừa và hóa giải những rủi ro tài chính lớn đã đạt được những thành quả mang tính giai đoạn quan trọng, giữ vững chốt chặn không để xảy ra rủi ro tài chính mang tính hệ thống. Tuy nhiên, rủi ro tài chính vẫn tồn tại, đồng thời xuất hiện những tình huống mới và đặc điểm mới.

Một mặt, việc xử lý tài sản xấu của hệ thống ngân hàng được đẩy mạnh, những tổ chức rủi ro như Baoshang Bank được xử lý ổn thỏa theo quy định pháp luật, chấm dứt toàn bộ hoạt động của các tổ chức kinh doanh dưới hình thức cho vay trực tuyến ngang hàng (P2P)…, xu hướng gia tăng rủi ro tài chính mang tính hệ thống của Trung Quốc được ngăn chặn có hiệu quả.

Hiện nay, tổng tài sản của những ngân hàng rủi ro cao chỉ chiếm 1,4% tổng tài sản của ngành ngân hàng, cơ bản chuyển đổi tình trạng tài chính ảo, mở rộng mù quáng.

Mặt khác, nguy cơ tiềm ẩn nợ chính quyền địa phương hiện nay vẫn chưa được loại trừ. Một số ngành đang ở cuối chu kỳ, rủi ro vỡ nợ của một số doanh nghiệp tư nhân gia tăng, rủi ro của các tổ chức tài chính nhỏ và vừa chủ yếu tập trung ở một số tỉnh, tính bất trắc của thị trường tài chính quốc tế gia tăng.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là đối diện với sự đan xen phức tạp của những vấn đề cũ và các tình huống mới, làm thế nào để giữ vững chốt chặn không để xảy ra rủi ro tài chính mang tính hệ thống?

Trước tiên cần xử lý ổn thỏa vấn đề rủi ro của các doanh nghiệp tư nhân. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề vỡ nợ xuất hiện ở các doanh nghiệp bất động sản tư nhân hiện nay là do quản trị doanh nghiệp yếu kém, không điều hành thận trọng theo sự thay đổi của tình hình thị trường, ngược lại mở rộng đa dạng hóa một cách mù quáng, khiến cho chỉ số kinh doanh và tài chính xấu đi một cách nghiêm trọng.

Cần phải thấy rằng nguy cơ vỡ vợ của các doanh nghiệp bất động sản tư nhân là rủi ro cá biệt và hiệu ứng lan tỏa đối với ngành tài chính nói chung là có thể kiển soát.

Hiện nay, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang triển khai công tác xử lý và hóa giải rủi ro theo quy định pháp luật, bên cạnh các giải pháp nhằm tích cực thúc đẩy lập pháp và cải cách thuế bất động sản, triển khai thực hiện tốt công tác thí điểm.

Đối với toàn bộ thị trường bất động sản hiện nay, nhu cầu vốn hợp lý đang được đáp ứng đầy đủ, rủi ro tổng thể có thể kiểm soát, xu thế chung về sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản sẽ không thay đổi.

Bước vào nửa cuối năm, các dấu hiệu về nhu cầu hiệu quả trong nước không đủ dần thể hiện rõ, trong khi trên bình diện quốc tế lại đối mặt với cú sốc chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển có thể chuyển hướng, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong bối cảnh đó, việc nắm chắc cân bằng giữa ổn định tăng trưởng và phòng ngừa rủi ro là một thử thách đối với ngành tài chính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục