Những dòng người xếp hàng dài chờ đợi bên ngoài các nhà hàng, các toa tàu điện ngầm đông đúc, máy móc hoạt động trong các nhà máy và trên các công trường xây dựng, đều là những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang thoát khỏi cái bóng COVID-19 và có khởi đầu suôn sẻ trong năm 2023.
Trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần, kết thúc vào ngày 27/1, các rạp chiếu phim trên khắp Trung Quốc đã bán được 129 triệu vé, đạt doanh thu 6,76 tỷ nhân dân tệ (gần 1 tỷ USD), tăng 11,89% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong thời gian này, có khoảng 308 triệu chuyến đi được thực hiện trong nước, với doanh thu du lịch đạt 375,8 tỷ nhân dân tệ, tăng 30%.
[Trung Quốc: Số ca mắc COVID-19 đang ở mức thấp và tiếp tục giảm]
Trong báo cáo mới đây, công ty chứng khoán CITIC cho biết tình hình tiêu dùng trong dịp nghỉ Tết tốt hơn kỳ vọng đã củng cố lòng tin rằng lĩnh vực này đang phục hồi, trong đó ngành giải trí có thể chứng kiến sự hồi phục ổn định, bền vững và ngành du lịch sẽ tiếp tục phát triển trong các mùa cao điểm.
Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh cần có các biện pháp kịp thời để thúc đẩy phục hồi tiêu dùng sớm như một động lực chính của nền kinh tế.
Ngay trong tháng đầu tiên của năm nay, chính quyền các địa phương đã đưa ra các chính sách ưu tiên cải thiện niềm tin tiêu dùng.
Thượng Hải, thành phố lớn ở phía Đông Trung Quốc, đã công bố kế hoạch hành động, trong đó có miễn giảm thuế mua xe sử dụng năng lượng mới và tặng phiếu mua hàng cho các ngành như du lịch văn hóa và giải trí.
Hải Nam, tỉnh phía Nam Trung Quốc, tích cực khuyến khích mua sắm miễn thuế, công bố doanh thu 5,19 tỷ nhân dân tệ từ ngày 1-28/1.
Nhà kinh tế Wang Tao của UBS dự báo phục hồi tiêu dùng sẽ là một trong những mục tiêu xuyên suốt trong năm nay với mức doanh thu bán lẻ danh nghĩa cả năm của Trung Quốc dự kiến tăng 9% so với năm 2022.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất sau Tết cũng đang được khôi phục trên khắp Trung Quốc, các nhà máy hoạt động với công suất tối đa.
Chỉ trong ngày 28/1, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, 136 dự án quan trọng đã được khởi công xây dựng ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, phía Tây Bắc Trung Quốc.
Những dự án này bao trùm mọi lĩnh vực từ chế tạo tiên tiến tới dịch vụ hiện đại, dự kiến có sản lượng hằng năm hơn 150 tỷ nhân dân tệ và tạo ra hơn 110.000 việc làm.
Thành phố Trùng Khánh dự kiến sẽ khởi công 1.123 dự án lớn trong năm nay, với tổng vốn đầu tư tăng 18,5% so với năm ngoái.
Các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc như tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang, Sơn Đông và Tứ Xuyên đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 trên 5%.
Chính phủ Trung Quốc đã hối thúc các nỗ lực thúc đẩy hồi phục kinh tế ổn định ngay từ đầu năm nay, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo điều kiện để nhanh chóng nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau kỳ nghỉ lễ.
Các biện pháp kịp thời sẽ được thực hiện để thúc đẩy phục hồi sớm, mở cửa, ổn định và nâng cấp thương mại, đầu tư nước ngoài.
Một số ngân hàng đầu tư đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2023.
Liu Linan, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Deutsche Bank, dự báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng khoảng 6% trong năm nay và tăng trưởng ổn định hơn trong năm 2024 khi thoát khỏi những tác động của đại dịch kéo dài 3 năm qua.
Giới phân tích cho rằng kinh tế Trung Quốc đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn và cải thiện trong năm nay, với nhiều tiềm năng thị trường được giải phóng và các hoạt động phục hồi nhanh chóng./.