Đúng như dự báo, số liệu kinh tế quý 1/2020 của Trung Quốc cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng hiếm thấy, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 6,8%. Tuy nhiên, theo phân tích của tờ Thương báo (Hong Kong), đằng sau dấu hiệu tồi tệ này lại tiềm ẩn những cơ hội mới và triển vọng tươi sáng.
Điều quan trọng là Trung Quốc phải nhận thức được tình hình và nắm bắt tốt các cơ hội. Theo tờ Thương báo, cần phải phân tích thỏa đáng số liệu quý 1/2020.
Một số điểm cần đặc biệt chú ý như sau: một là biểu hiện sụt giảm nghiêm trọng trên có thể được chấp nhận dưới sự "đóng băng" hoạt động kinh tế do việc phong tỏa thành phố vì đại dịch COVID-19 và chắc chắn không thể giảm tới 10%.
Hai là thiệt hại có khả năng đảo ngược cao. "Cỗ xe tam mã" thúc đẩy nền kinh tế bị co lại toàn diện, ngành bán lẻ và đầu tư đều giảm hai con số đã phản ánh sự sụt giảm mạnh về nhu cầu trong nước, trong khi thặng dư ngoại thương giảm mạnh hơn 80% lại phản ánh nhu cầu bên ngoài yếu, thu nhập thực tế bình quân đầu người cũng giảm khoảng 4%.
Ngoài nhu cầu bên ngoài, cùng với việc đẩy mạnh phục hồi sản xuất, đầu tư, bán lẻ và thu nhập bình quân đầu người đều có thể nhanh chóng phục hồi tăng trưởng tích cực. Sự phục hồi của hoạt động kinh tế "đóng băng" có thể hạn chế kim ngạch sản xuất, tiêu dùng và đầu tư để giảm tổn thất. Điều quan trọng là thời gian dịch bệnh ngắn, tình hình cải thiện chỉ sau hơn hai tháng giúp khả năng đảo ngược được nâng cao.
Ba là thời khắc đen tối nhất đã qua, triển vọng sẽ ngày càng tươi sáng hơn. Trong quý 1/2020, tháng Ba vừa qua cho thấy sự thay đổi đáng kể về phục hồi. Sự suy giảm trong mỗi chỉ số đã giảm đáng kể so với hai tháng trước, ví dụ, sản xuất công nghiệp chỉ giảm 1,1%.
Bốn là việc phục hồi sẽ dần được tăng tốc trong 3 quý còn lại của năm nay, thậm chí một số ngành còn có thể phục hồi mạnh mẽ. Ước tính nếu nền kinh tế trở lại bình thường trong ba quý tới, tăng trưởng GDP hàng năm có thể dao động ở mức 2% đến 3%.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay nhưng Trung Quốc lại có thể tăng 1,2%. Nếu vậy, nền kinh tế Trung Quốc sẽ là hiện tượng đáng chú ý.
IMF cũng ước tính GDP của Trung Quốc sẽ phục hồi 9,2% trong năm tới. Trên thực tế, sự phục hồi sẽ diễn ra nhiều hơn trong năm nay, có thể thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa.
Năm là mặc dù sản lượng kinh tế bị suy giảm nhưng việc nâng cao chất lượng đã được đẩy nhanh, có thể được ví như "mất bên Đông, được bên Tây." Ví dụ rõ ràng là ngành công nghiệp công nghệ cao đã tăng mạnh 8,9% trong tháng 3/2020.
Để đối phó với tình hình nghiêm trọng từ hậu quả của đại dịch COVID-19 và nền kinh tế u ám, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã đưa ra một loạt chỉ đạo quan trọng có thể coi là định hướng chung cho việc hoạch định chính sách cụ thể. Điều cơ bản nhất là cần phải ước tính đầy đủ những khó khăn, rủi ro và tăng cường việc tạo cảm giác cấp bách, chuẩn bị tốt tâm lý cũng như hành động cần thiết. Chống dịch bệnh cần phải trong tình trạng bình thường hóa, phòng ngừa bên ngoài thâm nhập, phòng ngừa bên trong bùng phát trở lại.
[Gian nan chặng đường khôi phục kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch]
Trong chuyến thị sát Chiết Giang gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ rõ ưu tiên hàng đầu trong chống dịch bệnh hiện nay là ngăn ngừa các ca mắc COVID-19 "nhập khẩu."
Để đảm bảo phục hồi đồng nhân dân tệ, bước đầu tiên chắc chắn là ước tính đầy đủ và toàn diện tình hình dịch bệnh bên ngoài và rủi ro kinh tế. Điều này sẽ tạo nền tảng cần thiết cho việc sắp xếp các biện pháp ứng phó cụ thể. Tình hình dịch bệnh chung ở các nước phát triển, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, vẫn đang xấu đi và chưa đạt đến đỉnh điểm, tuyệt đối không được đánh giá thấp sự thay đổi liên tục, tính đột biến và tính phức tạp trong xu hướng của dịch bệnh.
Nhiều nơi ở châu Âu và Mỹ không chấp nhận được những tổn thương về chính trị và kinh tế do sự phong tỏa thành phố gây ra. Tại những nơi đó đã xuất hiện những tiếng nói cho rằng dịch bệnh đã chuyển hướng chậm lại, đạt đỉnh và kêu gọi dỡ bỏ phong tỏa, khiến cho sự phát triển của dịch bệnh thêm tính bước ngoặt, có khả năng xuất hiện làn sóng tiếp bước làn sóng, kéo dài thời gian dịch bệnh và gây tổn hại nghiêm trọng hơn. Sự "đóng băng" nền kinh tế là chưa từng thấy. Đồng thời, không được lơ là các khu vực xung quanh.
Đặc biệt, phải theo dõi sát sự thay đổi tình hình ở Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Gần đây, Nga đã trở thành một điểm nóng về số ca mắc COVID-19 "nhập khẩu."
Trên thực tế, vấn đề của Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore cũng rất nghiêm trọng. Singapore có các công ty vi phạm hợp đồng nợ một số ngân hàng lên tới 3 tỷ USD.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang phải đối mặt với một "cơn gió nghịch" mạnh hơn và các ngành đối ngoại sẽ phải "đứng mũi chịu sào."
Gần đây, chính phủ Trung ương đã đưa ra "6 bảo đảm" (bao gồm bảo đảm việc làm, dân sinh cơ bản…) nhưng đây chỉ là mục tiêu và cần có các chính sách cụ thể và hiệu quả để thực hiện.
Các chính sách mở rộng điều chỉnh vĩ mô truyền thống như cắt giảm lãi suất và mở rộng thâm hụt ngân sách không còn đủ để đối phó với tình hình mới, buộc phải thúc đẩy đầu tư bằng các kế hoạch phát triển quy mô lớn. Một là kích thích tăng trưởng để tạo việc làm và tăng nhu cầu trong nước để bù đắp sự suy giảm nhu cầu bên ngoài. Hai là nắm bắt cao điểm của nền kinh tế mới và tận dụng tối đa những cơ hội và lợi thế mới do dịch bệnh mang lại, từ đó đạt được cả mục tiêu dài hạn lẫn ngắn hạn.
Các dự án đầu tư buộc phải kết hợp các điểm sau:
Thứ nhất, dịch bệnh thể hiện thế mạnh của Trung Quốc trên nhiều phương diện như sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), thông tin.., nhưng cần đầu tư mới để củng cố và đào sâu những lợi thế và bù đắp những khuyết điểm, từ đó trợ giúp các ngành công nghiệp Trung Quốc nắm bắt được cao điểm của sự phát triển kinh tế mới.
Thứ hai, kết hợp cơ sở hạ tầng mới và cũ cũng như phát triển ngành nghề kinh doanh trực tuyến và ngoại tuyến, từ đó thúc đẩy sự phát triển bổ sung của nền kinh tế mới và nền kinh tế truyền thống.
Thứ ba, mở rộng chuỗi cung ứng. Trung Quốc đi đầu trong việc đẩy lùi dịch bệnh, cho thế giới thấy khả năng phục hồi và động lực phát triển to lớn, tăng cường lòng tin của thị trường quốc tế. Điều này không chỉ ngăn chặn "phi Trung Quốc hóa" chuỗi cung ứng mà còn thu hút thêm đầu tư để kéo dài và mở rộng hệ thống chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Các dự án đầu tư phải nắm bắt các cơ hội trong đó và cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của Trung Quốc sau đại dịch thông qua tự động hóa và quản lý kỹ thuật số. Dịch bệnh đã thực sự mang đến cho Trung Quốc cơ hội để nhanh chóng tăng cường vai trò quốc tế./.