Kết quả khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại còn 7% trong quý 1/2015.
Nếu đúng là như vậy thì đây sẽ là nhịp độ tăng trưởng chậm nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong sáu năm qua, gây áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh phải hành động nhiều hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng.
Cuộc khảo sát ý kiến của các chuyên gia phân tích cho thấy hoạt động thương mại và đầu tư của Trung Quốc trong tháng Ba nhiều khả năng vẫn ở quanh mức thấp nhất của nhiều năm, làm gia tăng mối lo về khả năng Trung Quốc sẽ phải đối mặt nguy cơ nhịp độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tụt xuống mức thấp nhất của 25 năm trong năm nay.
Trong tuần tới sẽ có nhiều thông tin kinh tế được công bố, bao gồm thông tin về chỉ số lạm phát và GDP, qua đó cung cấp những manh mối về thời điểm cũng như cách thức mà Chính phủ Trung Quốc sẽ tiến hành nới lỏng các chính sách tiền tệ.
Trung Quốc đã lần lượt hạ lãi suất ngân hàng và nới lỏng các yêu cầu về tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hệ thống ngân hàng trong ba tháng qua, trong bối cảnh hoạt động kinh tế đang dần xấu đi.
Tuy nhiên, Kevin Lai, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng đầu tư Daiwa Securities chi nhánh Hong Kong, lại cho rằng kinh tế Trung Quốc đang giảm nhiệt một cách “quá nhanh và quá lớn” do đó, “chính phủ cần phải làm nhiều hơn và kịp thời hơn nữa.”
Chuyên gia này cũng dự báo kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,1% trong quý 1/2015.
Nguyên nhân khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống dốc là do thị trường bất động sản sa sút cũng như sự thoái trào của nhu cầu trong và ngoài trước. Hai yếu tố này được cho là những “mối nguy hại” lớn đối với tăng trưởng.
Các nhà phân tích dự báo lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc sẽ “hạ nhiệt” xuống còn 1,3% trong tháng Ba, từ mức 1,4% trong tháng trước đó. Mức lạm phát này chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức 1% mà giới chuyên gia cho là “đáng báo động” về nguy cơ giảm phát./.