Kinh tế Trung Quốc có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát

Những dữ liệu kinh tế “mờ nhạt” đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, trong khi đó triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên yếu ớt hơn.
Kinh tế Trung Quốc có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát ảnh 1Người dân mua hàng tại một chợ ở Khu tự trị Choang Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 9/8, Trung Quốc sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng Bảy.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, con số này nhiều khả năng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm các Nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20) có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát, kể từ lần cuối cùng Nhật Bản công bố tăng trưởng CPI âm vào hai năm trước.

Xuất khẩu giảm

Theo số liệu thống kê do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/8, trong tháng Bảy, xuất khẩu của cường quốc châu Á này giảm 14,5% và nhập khẩu giảm mạnh (12,4%) so với dự báo được đưa ra vào tháng trước.

Ngoại trừ sự phục hồi ngắn ngủi trong tháng Ba và tháng Tư, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm gần như liên tục kể từ tháng 10 năm ngoái.

Nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ và châu Âu, cùng với tình trạng lạm phát cao, đã góp phần khiến nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc yếu đi trong những tháng gần đây.

[Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 3 năm qua]

Trong khi đó, Mexico và Canada đã thay thế Trung Quốc trở thành nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho Mỹ trong 6 tháng năm 2023, nhờ lợi thế về khoảng cách địa lý và sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Mỹ đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 203 tỷ USD từ Trung Quốc, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã luôn là nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất như điện thoại và quần áo đang dần hạ nhiệt.

Đồng thời, sự đứt gãy trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy Mỹ đa dạng hóa chuỗi cung ứng, dẫn đến việc nước này nhập khẩu nhiều hơn từ các nước láng giềng ở phía Bắc và phía Nam.

Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm xuống còn 33,5 tỷ USD trong tháng 6/2023, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trung Quốc từ lâu đã được mô tả là “công xưởng của thế giới.” Tăng trưởng của nước này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Do đó, cường quốc châu Á này rất dễ bị tổn thương trước những thăng trầm của nền kinh tế toàn cầu.

Phát ngôn viên Tổng cục Hải quan Trung Quốc Lyu Daliang, đầu tháng 7/2023, cho rằng việc Mỹ đang cố gắng tách Trung Quốc khỏi thị trường chất bán dẫn toàn cầu, cũng như những lĩnh vực công nghệ cao khác đã tác động xấu đến thương mại Trung Quốc.

Thị trường chất bán dẫn vốn được xem là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế Trung Quốc.

Thị trường bất động sản xuống dốc

Bất động sản là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc. Sau quá trình phát triển và mở rộng liên tục, đến năm 2020, nợ công ty, đặc biệt là các nhà phát triển bất động sản, đã đạt đến mức cao không bền vững. Để giảm rủi ro cho hệ thống tài chính, Trung Quốc buộc phải tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay.

Do khả năng tiếp cận tín dụng bị giảm đi đáng kể, nhiều công ty buộc phải ngừng xây dựng những ngôi nhà mà họ đã bán, nhưng vẫn chưa giao nhà, khiến một số chủ sở hữu nhà dừng trả các khoản thế chấp.

Sự hỗn loạn này gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin của những người mua tương lai - những người từ lâu đã coi bất động sản là một khoản đầu tư chắc chắn và là tài sản dự trữ.

Kinh tế Trung Quốc có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát ảnh 2Một công trình xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 2/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Country Garden, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, đã hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu mới để huy động 300 triệu USD tại sàn Hong Kong (Trung Quốc).

Công ty này, vào ngày 8/8, tuyên bố không thanh toán hai loại trái phiếu bằng đồng USD đáo hạn ngày 6/8, với tổng giá trị lên đến 22,5 triệu USD, do gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Cùng ngày, chỉ số lĩnh vực bất động sản chuẩn trên sàn Hong Kong đã mất gần 5%, khi tâm lý nhà đầu tư trở nên tồi tệ hơn bởi các số liệu thương mại.

Tương tự, chỉ số CSI 300 của các công ty Trung Quốc lớn (blue chip) đã giảm và đồng Nhân dân tệ tụt xuống mức thấp nhất so với đồng USD tính trong bốn tuần.

Trong khi đó, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vừa phát hành cũng cho thấy sự sụt giảm liên tục kể từ tháng 10/2022. Đáng chú ý là tốc độ giảm đã tăng nhanh hơn kể từ đầu năm 2023.

Những dữ liệu kinh tế “mờ nhạt” đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, khi triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên yếu ớt hơn.

Điều này làm gia tăng áp lực hơn nữa đối với Trung Quốc trong việc cần sớm đưa ra các biện pháp hỗ trợ, nhằm kích thích tăng trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục