Kinh tế TP.HCM tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng khá, chỉ số giá cả, lạm phát được kiểm soát tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế TP.HCM.
Kinh tế TP.HCM tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định ảnh 1Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)

Qua 3 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng khá cho thấy kinh tế có bước phát triển tốt, kiểm soát được chỉ số giá cả, chỉ số lạm phát, là sự khởi đầu thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cho những tháng tiếp theo.

Đây là nhận định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ quý 2/2015 tổ chức ngày 27/3.

Nhiều chỉ số kinh tế quan trọng đều tăng

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn thành phố 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 202.040 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của 3 năm liên tiếp gần đây (quý 1/2012 tăng 7,4%, quý 1/2013 tăng 7,6%; quý 1/2014 tăng 7,7%).

Trong quý 1/2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 159.373 tỷ đồng, tăng 11,5%. Trong đó, doanh thu thương nghiệp chiếm 78,34%, đạt 124.855 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản ước đạt 23.507 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã tích cực triển khai chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Dư nợ cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt 137.611 tỷ đồng, tăng 0,86% so với năm 2014, trong đó cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 65% tổng dư nợ.

Chỉ số phát triển công nghiệp tháng 3 của thành phố tăng 32,9% so với quý trước; tính chung 3 tháng đầu năm 2015 tăng 5,6% so với cùng kỳ. Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp khai khoáng.

Bên cạnh đó, tình hình thu chi ngân sách cũng đạt kết quả tốt, hầu hết các chỉ tiêu thu đều đạt khá so với dự toán và tăng 11,79% so với cùng kỳ. Cụ thể, ba tháng đầu năm 2015 thành phố đã thu được 68.296 tỷ đồng, đạt 25,7% dự toán và tăng 4,99% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 41.779 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 21.000 tỷ đồng.

Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính thành phố cho biết, kết quả thu ngân sách khả quan thể hiện tình hình kinh tế của thành phố tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định, các chính sách thuế mới có hiệu lực; đồng thời thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai, bồi dưỡng nguồn thu cũng như tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát các nguồn thu, qua đó truy thu được hơn 297 tỷ đồng cho ngân sách.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đánh giá kết quả đạt được trong quý 1/2015 đã thể hiện được tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố được duy trì ổn định, tạo tiền đề tốt để triển khai các nhiệm vụ trong quý 2 và trong năm 2015. Tuy nhiên, thành phố cần tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế trong năm 2015.

Cụ thể, thành phố tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời đẩy mạnh chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học và công nghệ và giá trị tăng cao.

Theo ông Thái Văn Rê, các cơ quan chức năng thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thành lập doanh nghiệp, phá sản doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với chính quyền thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật những đổi mới về thông tư, chính sách.

Cùng với đó, thành phố cũng đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, ngân hàng với nông dân, nông thôn, phấn đấu hoàn thành cam kết gói tín dụng hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến xuất khẩu.

Mặt khác, thành phố cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, FTA...

Với nhiều nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân yêu cầu các sở ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, xử lý giải quyết và vận hành đồng bộ các giải pháp trọng tâm để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Các sở ngành như giao thông, tài nguyên môi trường cần lưu ý đến việc hoàn thành các dự án trọng điểm, tính toán phương án hợp lý để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, vận chuyển để thúc đẩy kinh tế phát triển, lưu thông hàng hóa; rà soát, xử lý triệt để các dự án chậm hoặc không triển khai gây lãng phí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục