Kinh tế TP.HCM: Nhiều giải pháp cho giai đoạn 'hậu' COVID-19

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, thành phố sẽ tối ưu hóa đầu tư công bằng giải pháp tài khóa, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo vệ và ngăn chặn việc người lao động mất việc.
Kinh tế TP.HCM: Nhiều giải pháp cho giai đoạn 'hậu' COVID-19 ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến các kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để đảm bảo mục tiêu kép là duy trì thành quả phòng chống dịch COVID-19; đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế; trong đó, có nhiệm vụ thu ngân sách.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được nêu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tháng 6 năm 2020 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 4/6.

Sụt giảm nhiều chỉ tiêu

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 506.000 tỷ đồng, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước tác động của dịch COVID-19, lượng khách du lịch đăng ký các chương trình du lịch giảm mạnh, doanh thu doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.

Để ứng phó với tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch thành phố đã vận động và đến nay có 13 cơ sở lưu trú du lịch từ 2-5 sao đăng ký tham gia với mức giảm giá từ 35-60%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố giảm 7,16% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, một số ngành giảm mạnh như sản xuất kim loại, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sửa chữa và lắp đặt máy móc thiết bị, sản xuất máy móc, khai khoáng... Đáng chú ý, trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm, ngành cơ khí giảm gần 17%, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống giảm 7,19%.

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố có 2.015 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, tăng 16,41% so với cùng kỳ năm 2019; có 7.257 doanh nghiệp tạm ngưng lao động, tăng 39,91%. Tổng số doanh nghiệp luỹ kế còn trên hệ thống là 423.676 doanh nghiệp với số vốn đăng ký gần 6.200 tỷ đồng.

Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính, năm 2020 dự toán thu ngân sách mà Trung ương giao cho thành phố là 405.828 tỷ đồng. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, ngành tài chính phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2020 một cách cao nhất.

Trong 5 tháng đầu năm, thành phố thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, nhiều ngành, lĩnh vực phải dừng hoạt động, thu gọn quy mô, điều chỉnh mô hình hoạt động.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hầu như sản xuất hàng hóa của Khối liên minh châu Âu, Hoa Kỳ đình trệ khiến tình hình xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn.

Các mặt hàng có thuế suất cao như rượu, bia, hàng tiêu dùng, sắt, thép, ôtô 9 chỗ, dệt may có khả năng tiếp tục giảm. Vì vậy, dự kiến số thu ngân sách trong tháng 5 sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ.

[Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp phục hồi kinh tế hậu COVID-19]

"Thu ngân sách Nhà nước thực hiện 5 tháng ước đạt 139.398 tỷ đồng, đạt 34,35% dự toán, bằng 84% so với cùng kỳ. Mức thu trung bình mỗi ngày làm việc trong 5 tháng đầu năm 2020 là 1.393 tỷ đồng, chỉ bằng 85% so với mức thu trung bình thành phố phải thu trong năm 2020 và bằng 81% so với mức trung bình cùng kỳ năm 2019," bà Lê Ngọc Thùy Trang cho biết thêm.

Nhiều triển vọng

Mặc dù tình hình kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhiều chỉ tiêu giảm mạnh nhưng vẫn có một số chỉ tiêu quan trọng khác đạt mức tăng trưởng. Đơn cử, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 17 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu tăng chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, hàng rau quả…

Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển trong 5 tháng đầu năm đạt 55,32 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến ngày 18/5, tổng giá trị chứng khoán niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán thành phố đạt 930.706 tỷ đồng, tăng 0,36% so với tháng trước.

Trong tháng 5/2020 giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu Công nghệ cao ước đạt gần 1.610 tỷ USD, tăng 5,38% so với cùng kỳ; trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 1.526 tỷ USD, tăng 10,7%. Giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp trên địa bàn trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 5.081 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùn kỳ năm ngoái. Trong nhóm 4 ngành công nghiệp trong điểm, ngành sản xuất điện tử tăng 11,83%, ngành hoá chất cao su nhựa tăng 8,37%.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp và đạt được kết quả ban đầu vô cùng quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19.

Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị các sở ngành, quận huyện khẩn trương thực hiện các giải pháp nhằm đạt nhiệm vụ kép là vừa phục hồi kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19.

Các chính sách sẽ phân chia thành 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn đầu áp dụng các giải pháp tình thế để giúp doanh nghiệp bám trụ thị trường, giai đoạn sau gắn với tái cơ cấu kinh tế thành phố theo chiều rộng và chiều sâu, tái cơ cấu thị trường để phục vụ sự phát triển “hậu” COVID-19.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong giao Viện Nghiên cứu và Phát triển thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giải pháp cụ thể nhằm duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Theo đó, hiện nay số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm 98% cộng đồng doanh nghiệp của thành phố, là đối tượng dễ bị "gãy đổ" nên cần các chính sách hỗ trợ sâu, như giảm chi phí sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch thay thế hàng nhập khẩu, mở rộng thị trường nội địa, thúc đẩy du lịch nội địa phát triển.

Kinh tế TP.HCM: Nhiều giải pháp cho giai đoạn 'hậu' COVID-19 ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Về chính sách dài hạn, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thành phố sẽ tối ưu hóa đầu tư công bằng giải pháp tài khóa, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo vệ và ngăn chặn việc người lao động mất việc.

Cùng với đó, trong tháng 6/2020, thành phố sẽ cơ bản giải quyết các tồn đọng của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo các kết luận của Thanh tra Chính phủ, tập hợp các dự án để phân loại, tổ chức thi công vào thời điểm trước và sau Đại hội Đảng bộ thành phố (tháng 10/2020).

Đối với đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính quận, huyện, phường xã, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện Sở Nội vụ thành phố đã chuẩn bị xong, sẽ báo cáo Bộ Nội Vụ và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2020. Còn đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân quận và phường, Ủy ban Nhân dân thành phố đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

"Riêng đề án phân chia ngân sách giữa Trung ương và thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội sau đó báo cáo Hội đồng nhân dân và Thành uỷ thành phố, dự kiến trong tháng 10/2020 sẽ báo cáo Quốc hội. Đề án Khu đô thị sáng tạo phía Đông, trước mắt thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch cục bộ, sau đó sẽ cập nhật vào đồ án quy hoạch chung của thành phố," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thông tin thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục