Trong 2 tháng đầu năm nay, các chỉ số kinh tế quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì ở mức tăng trưởng ổn định, cao hơn so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp và thương mại tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng giảm, chuẩn bị, đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ Tết cho nhân dân.
Đây là nhận định của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tại cuộc họp về tình hình kinh tế của thành phố trong hai tháng đầu năm nay, tổ chức ngày 26/2.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Hai ước đạt 52.623 tỷ đồng, giảm 4,2% so với tháng trước và tăng 31% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,8%).
Nguyên nhân giảm so với tháng trước là do trong tháng Hai có đợt nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, việc mua sắm của người dân chỉ diễn ra trong nửa đầu của tháng. Hai tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 107.554 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,2% ( cùng kỳ tăng 6,8%).
Trong thời gian Tết Nguyên đán Ất Mùi, lượng hàng về các chợ đầu mối trung bình 10.000 tấn/ngày, gồm các mặt hàng củ quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản và hoa. Thời điểm cao điểm, lượng hàng hóa về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường (14.000-15.000 tấn/ngày).
Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: thành phố đã tổ chức tốt việc cung ứng hàng hóa phục vụ Tết, đảm bảo nguồn hàng đầy đủ, dồi dào, phong phú, giá cả hợp lý. Hệ thống phân phối đa dạng, rộng khắp nên người tiêu dùng dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận được hàng hóa, yên tâm mua sắm, không lo lắng về tình hình tăng giá và không cần thiết mua dự trữ.
Tính đến tháng Hai này, tổng số điểm bán của 4 chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố là 8.967 điểm bán, tăng 8.719 điểm bán so với năm 2008 và tăng 764 điểm bán so với đầu chương trình (4/2014). Đã triển khai 108 siêu thị, trung tâm thương mại, 448 cửa hàng tiền lợi, 827 điểm bán trong 127 chợ truyền thống, 2.219 điểm bán trong khu dân cư.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tính chung hai tháng đầu năm nay, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 4,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,2%). Quy mô sản xuất công nghiệp thành phố tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng.
Theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, sản xuất công nghiệp tăng hơn so với cùng kỳ do chính sách hỗ trợ công nhân về quê ăn Tết của doanh nghiệp được đảm bảo đầy đủ giúp cải thiện tình trạng thiếu lao động sau Tết Nguyên đán thường thấy ở các năm trước, khuyến khích người lao động trở lại làm việc hiệu quả hơn.
Đối với hoạt động thu ngân sách, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 2 tháng đầu năm là 46.063 tỷ đồng, đạt 17,33 dự toán, tăng 8,58% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 28.904 tỷ đồng, đạt 20,1% dự toán, tăng 12,42 % so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 13.000 tỷ đồng, đạt 14,44% dự toán, giảm 0,88 % cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư, tính đến 15/2 vừa qua, tình hình đầu tư trong nước và nước ngoài đều đạt kết quả khả quan, thu hút được nhiều dự án, tăng cả số lượng lẫn số vốn đầu tư. Cụ thể, tổng số vốn đăng ký và bổ sung đầu tư trong nước hơn 40.000 tỷ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ.
Thành phố tiếp tục thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài với 44 dự án cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đạt hơn 420 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 506,3 triệu USD, tăng 170,5% so với cùng kỳ.
Đánh giá về kết quả tình hình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của thành phố, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: trong tháng Hai này và bức tranh chung 2 tháng đầu năm nay, trong đó có 9 ngày nghỉ Tết, hoạt động kinh tế-xã hội của thành phố vẫn đảm bảo sản xuất kinh doanh, quốc phòng an ninh, công tác chăm lo Tết ổn định.
Ông Lê Hoàng Quân cho rằng chỉ số phát triển ngành công nghiệp của thành phố đạt ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước và có tín hiện thoát khỏi suy thoái và giai đoạn khó khăn những năm vừa qua. Tốc độ phát triển kinh tế của thành phố đi vào ổn định, có hiệu quả và đi vào chiều sâu. Điều này là cơ sở, tạo niềm tin để cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Phân tích thêm về tình hình phát triển kinh tế của thành phố, ông Lê Văn Khoa cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững thể hiện việc xuất khẩu đạt kết quả đáng mừng, tổng kim ngach xuất khẩu (loại trừ xuất khẩu dầu thô) tăng ở mức 12,1% (cùng kỳ tăng 6,1%). Trong số đó, hàng xuất khẩu công nghiệp tăng khá mạnh, giầy dép xuất khẩu đạt 430,1 triệu USD, tăng 29%; đặc biệt, mặt hàng sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đạt 586,7 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ sau một thời gian trựng lại để tái cơ cấu các mặt hàng sản xuất.
Liên quan đến các công việc thường xuyên, ông Lê Hoàng Quân yêu cầu các cơ quan đơn vị, quận huyện cần tập trung chỉ đạo sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm, các sở ngành, quận huyện và Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố cần đeo bám các doanh nghiệp khó khăn, có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Về một số nhiệm vụ trong tâm trong tháng Ba tới và những tháng tiếp theo, ông Lê Hoàng Quân cũng yêu cầu các cơ quan đơn vị, tiếp tục đẩy mạnh tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ.
Giới thiệu, hướng dẫn cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách của thành phố (chương trình kết nối cung-cầu, kết nối doanh nghiệp-ngân hàng, chương trình bình ổn thị trường...) để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp, phát triển đúng định hướng của thành phố.
Trong tháng Ba tới, thành phố cũng tập trung các nguồn lực để thực hiện hoàn thành các công trình, chương trình chuẩn bị cho kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015)./.