Kinh tế toàn cầu trước khả năng "thoát hiểm ngoạn mục"

Bloomberg Economics nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 2,9%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 12/2023, điều được gọi là “sự thoát hiểm ngoạn mục."
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khi tham dự cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các quan chức lĩnh vực tài chính thế giới sẽ phải giải quyết một loạt các vấn đề như tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát dai dẳng, lãi suất và mức nợ cao cùng với các rủi ro địa chính trị.

Bloomberg Economics nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 2,9%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 12/2023, điều được gọi là “sự thoát hiểm ngoạn mục," dù vẫn chưa đạt mức trước đại dịch.

Tổng Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva, cho biết IMF cũng sẽ tăng nhẹ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi công bố báo cáo vào ngày 16/4, từ mức 3,1% hiện nay, trong khi cảnh báo thế giới đang đối mặt với một thập kỷ yếu ớt và đáng thất vọng.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ các phát biểu quan trọng tại các hội nghị.

Những người dự kiến có phát biểu là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt và người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Ngân hàng trung ương Anh (BoE).

G20 có thể một lần nữa không giải quyết được những rủi ro đã gây bất đồng giữa các nước thành viên như trong các cuộc họp gần đây.

Xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ ba, trong khi xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza có nguy cơ khiến căng thẳng lan rộng tại Trung Đông.

Cả hai cuộc xung đột với những tác động đến một số nguồn cung dầu lớn nhất của thế giới đang khiến giá năng lượng tăng, một dấu hiệu đáng lo ngại với những nước đang đương đầu với lạm phát.

IMF đã lên tiếng cảnh báo về sự phân mảnh của kinh tế toàn cầu do yếu tố địa chính trị, giữa một bên là Mỹ và châu Âu và một bên là Trung Quốc và Nga.

Một vấn đề cũng thu hút sự chú ý trong tuần này là mức nợ lớn của một số quốc gia thị trường mới nổi, sau gần hai thập kỷ lãi suất thấp.

Hiện các nước nghèo đang nỗ lực để tiếp cận trở lại nguồn vốn.

Về nhận định cho rằng cái giá của việc kiểm soát lạm phát là nguy cơ về các cuộc suy thoái, một năm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu giảm nhẹ được coi là một sự thoát hiểm ngoạn mục.

Vấn đề tiếp theo là liệu kế hoạch điều chỉnh chính sách của các ngân hàng trung ương có bị trì hoãn do tăng trưởng bất ngờ mạnh hay không.

Bloomberg Economics đã lùi dự báo lần hạ lãi suất đầu tiên của Fed sang tháng 7/2024, thời điểm vẫn sớm hơn so với nhiều dự báo.

Chủ tịch Fed tại New York, John Williams, sẽ có phát biểu vào ngày 15/4 và Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson và các Chủ tịch ở các khu vực là Mary Daly, Thomas Barkin, Loretta Mester, Austan Goolsbee và Raphael Bostic cũng sẽ có phát biểu.

Ở các nơi khác, số liệu kinh tế của Trung Quốc, lạm phát tại Anh và số liệu về lương, và ngân sách của Canada cũng là những vấn đề nổi bật.

Tại châu Á, Trung Quốc sẽ công bố số liệu về GDP quý 1/2024 vào ngày 16/4 và được dự báo có thể cho thấy nền kinh tế trên đà đạt mục tiêu tăng trưởng chính thức là 5% trong năm 2024.

Mức tăng trưởng trong quý 1 của kinh tế Trung Quốc có thể đạt 5%, trong khi Goldman Sachs nhận định mức tăng 7,5%.

Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng tại Nhật Bản có thể chậm lại trong tháng 3/2024, xuống 2,7%, đánh dấu hai năm duy trì từ mức mục tiêu 2% trở lên.

Số liệu đáng chú ý tại châu Âu đến từ Anh. Số liệu về lương được công bố vào ngày 16/4 và số liệu về giá tiêu dùng được công bố vào ngày 17/4 sẽ được các quan chức BoE cân nhắc khi bắt đầu hạ lãi suất.

Ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), sản lượng công nghiệp tháng Hai được bố ngày 15/4 và được dự báo tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục