Kinh tế toàn cầu có thể mất ổn định dù sắp có vắcxin phòng COVID-19

Các nhà kinh tế trên phố Wall cho rằng sẽ không quá lâu trước khi kinh tế Mỹ, Eurozone, Nhật Bản lại sẽ suy giảm trong quý này hay quý tới, vài tháng sau khi phục hồi từ cuộc suy thoái sâu trước đó.
Kinh tế toàn cầu có thể mất ổn định dù sắp có vắcxin phòng COVID-19 ảnh 1Một nhà hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Munich, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 đang gây lo ngại về một đợt suy thoái mới của kinh tế toàn cầu, khiến các ngân hàng trung ương và các chính phủ có thể phải tiếp tục hành động để thúc đẩy nhu cầu.

Những hy vọng đang gia tăng rằng vắcxin ngừa COVID-19 sẽ có ngay vào tháng 12 tới, nhưng việc phân phối rộng rãi sẽ mất nhiều tháng và số ca mắc đang tăng trở lại ở nhiều nền kinh tế lớn. Các nhà chức trách đang đối phó bằng việc tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn đà lây lan với cái giá phải trả là sự giảm sút của các hoạt động kinh tế.

Các nhà kinh tế trên phố Wall cho rằng sẽ không quá lâu trước khi kinh tế Mỹ, Khu vực sử dụng đồng euro và Nhật Bản lại sẽ suy giảm trong quý này hay quý tới, vài tháng sau khi phục hồi từ cuộc suy thoái sâu nhất trong nhiều thế hệ.

Các số liệu của Bloomberg Economics cho thấy một cuộc suy thoái kép, với các chỉ số sản xuất của châu Âu đã minh chứng cho lo ngại đó, dù chỉ số về hoạt động kinh doanh tại Mỹ là lạc quan.

Điều đó khiến các nhà hoạch định chính sách đứng trước những kêu gọi về việc tăng cường các biện pháp kích thích, ngay cả khi các ngân hàng trung ương đã bắt đầu lo ngại về bong bóng trên các thị trường tài chính. Trong khi đó, các nghị sỹ Mỹ và châu Âu đang bất đồng về lượng tiền mà họ có thể và nên chi cho các biện pháp tài khóa.

[Triển vọng tăng trưởng không chắc chắn của kinh tế thế giới]

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, Chan Chun Sing, cho rằng tiến triển trong việc bào chế vắcxin là rất đáng mừng, nhưng việc sản xuất đủ, sau đó là phân phối và tiêm chủng cho một phận dân số lớn của thế giới sẽ mất nhiều tháng, nếu không nói là nhiều năm.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã sẵn sàng cho việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng tới, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tập trung nhiều hơn vào việc mua trái phiếu dài hạn để kéo lãi suất xuống.

Tuy nhiên, có những lo ngại rằng các ngân hàng trung ương đã không còn khả năng hành động quyết liệt và thậm chí các điều kiện tài chính thuận lợi hơn cũng sẽ không có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế là một trong những tổ chức cũng đang cảnh báo tình trạng giá tài sản tăng không liên quan đến nền kinh tế và điều này có thể đe dọa đến sự ổn định tài chính.

Với Mỹ, tốc độ lây nhiễm COVID-19 đã khiến các nhà phân tích của JPMorgan Chase & Co. dự báo nền kinh tế sẽ suy giảm trong quý tới khi các bang thực hiện việc giãn cách xã hội và các khoản trợ cấp của chính phủ kết thúc. Số liệu gần đây cho thấy ngày càng nhiều người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và ít ăn nhà hàng hơn.

Tại châu Âu, có thêm các số liệu cho thấy nguy cơ của một cuộc suy thoái kép, khi chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) giảm mạnh.

Số liệu PMI sơ bộ cho thấy lĩnh vực chế tạo và dịch vụ của Nhật Bản giảm với tốc độ nhanh hơn trong tháng 11, gây thêm lo ngại về đà phục hồi của nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục