Kinh tế thế giới sẽ đón nhận gì từ lập trường “diều hâu” của Fed?

Fed tăng mạnh lãi suất sẽ ảnh hưởng phần nào đến các tài sản có độ rủi ro cao trên thị trường, cũng như làm gia tăng mức độ “phân mảnh” trên thị trường trái phiếu chính phủ châu Âu.
Kinh tế thế giới sẽ đón nhận gì từ lập trường “diều hâu” của Fed? ảnh 1Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Lạm phát tại Mỹ đã chạm mức cao nhất trong hơn 40 năm qua, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng Sáu.

Và nhiều ý kiến cho rằng Fed sẽ cần phải nâng lãi suất mạnh mẽ hơn nữa để kiềm chế lạm phát.

Thị trường nhìn chung dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 9-10 lần nữa từ giờ đến đầu năm 2023. Mỗi cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ đưa ra quyết định nâng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản cho đến mức lãi suất cuối cùng là 4%. Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ có nhiều tác động trên phạm vi toàn cầu.

Suy thoái kinh tế toàn cầu

Trong lịch sử, khi Fed phải tăng lãi suất nhanh, suy thoái kinh tế là điều khó tránh khỏi. Dù Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhấn mạnh rằng các công cụ chính sách của họ đã trở nên hiệu quả hơn kể từ cuộc chiến lạm phát lần cuối vào những năm 1980, nhưng nhiều nhà kinh tế và giới quan sát vẫn không hoàn toàn chắc chắn.

Một cuộc khảo sát gần đây do tờ Financial Times và Initiative on Global Markets (trung tâm nghiên cứu thị trường và chính sách kinh tế thuộc Đại học Chicago) thực hiện cho thấy nhiều nhà kinh tế đã dự báo về một cuộc suy thoái bắt đầu vào năm tới.

Bà Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu của công ty Invesco, cho biết số liệu lạm phát tháng Năm của Mỹ, ở mức 8,6%, mức cao nhất kể từ năm 1981, đã tác động đến các thị trường trên toàn cầu, và điều này là dễ hiểu khi những động thái của Fed để ứng phó với tình hình này chắc chắn có thể góp phần gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

[Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ lạm phát kèm suy thoái]

Bà Hooper vẫn hy vọng rằng Mỹ có thể tránh được kịch bản suy thoái và Fed sẽ thành công trong việc đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới “hạ cánh mềm." Tuy nhiên, chuyên gia này thừa nhận rằng kinh tế Mỹ rõ ràng đang giảm tốc đáng kể, và khả năng “hạ cánh mềm” rất khó xảy ra.

Chuyên gia kinh tế nổi tiếng Kenneth Rogoff gần đây chỉ ra rằng một đợt suy thoái tại Mỹ, đặc biệt khi nó là kết quả của một chu kỳ tăng lãi suất, sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu và tác động mạnh đến các thị trường tài chính.

Phản ứng dây chuyền

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gần đây đã xác nhận kế hoạch nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng Bảy, với khả năng sẽ tiếp tục thêm một đợt nâng lãi suất nữa vào tháng Chín.

Tuy nhiên, ECB sau đó đã triệu tập một cuộc họp khẩn về chính sách tiền tệ, khi lợi suất trái phiếu chính phủ ở nhiều nước thành viên của khối đã tăng mạnh.

Ông Stephane Monier, Giám đốc đầu tư của ngân hàng Banque Lombard Odier, cho rằng quyết định họp bất thường này của ECB ngay trước khi Fed công bố quyết định chính sách của mình mang nhiều ý nghĩa.

Theo ông, nó có thể thể hiện rằng ở một mức độ nào đó, ECB lo ngại Fed sẽ tăng mạnh lãi suất, như 75 điểm cơ bản, điều thực sự đã diễn ra, và điều này sẽ ảnh hưởng phần nào đến các tài sản có độ rủi ro cao trên thị trường, cũng như làm gia tăng mức độ “phân mảnh” trên thị trường trái phiếu chính phủ châu Âu.

Kinh tế thế giới sẽ đón nhận gì từ lập trường “diều hâu” của Fed? ảnh 2Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Ballymena, Bắc Ireland. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phân vĩ mô toàn cầu của ngân hàng Hà Lan ING, cho rằng những tác động đến tiền tệ từ sự chuyển đổi lập trừng chính sách mạnh mẽ của Fed có thể gây ảnh hưởng đến các nhà hoạch định chính sách châu Âu. Theo ông, sự thắt chặt chính sách của Fed có thể đồng nghĩa với một đồng USD mạnh lên và một đồng euro yếu đi, vốn là một mối lo ngại đối với nhiều quan chức của ECB vì nó làm gia tăng áp lực lạm phát.

Ông Brzeski cho rằng điều này có thể khiến các quan chức ủng hộ thắt chặt chính sách tiền tệ trong ECB thúc đẩy nhiều đợt tăng lãi suất hơn dự tính hiện tại để đối phó với tác động của một đồng euro suy yếu đến lạm phát.

Trong bối cảnh các điều kiện tài chính đang thắt chặt dần và các loại tài sản có độ rủi ro cao cũng bị bán tháo trên toàn cầu, đồng USD vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn lại khởi sắc mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Ông Geoffrey Yu, chuyên gia cấp cao của công ty BNY Mellon, cho rằng tình trạng mất cân đối đang thúc đẩy đồng USD mạnh lên sẽ không giảm xuống trong tương lai gần.

Ông Yu cho biết kinh tế Mỹ ít nhạy cảm hơn nhiều với sự thắt chặt điều kiện tài chính do biến động tỷ giá hối đoái so với các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại như Thụy Sĩ, Nhật Bản, châu Âu và nhiều thị trường mới nổi. Chuyên gia này cho biết hàng hóa toàn cầu được định giá bằng đồng USD, vậy nên một “đồng bạc xanh” mạnh sẽ không có lợi cho các nước này.

Ông Yu cho rằng lập trường thắt chặt chính sách mạnh mẽ của Fed có thể tạo thêm dư địa để các ngân hàng trung ương khác như ECB, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ và Ngân hàng trung ương Anh thắt chặt hơn nữa để hỗ trợ đồng tiền của mình.

Đồng quan điểm, ông Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại ngân hàng Nomura (Nhật Bản), cho biết một Fed “diều hâu” sẽ gây áp lực lên các nền kinh tế châu Á mới nổi, buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để giảm thiểu rủi ro gia tăng “chảy máu” dòng vốn và đồng nội tệ yếu hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục