Kinh tế thế giới phục hồi, chuỗi cung ứng chịu sức ép

Tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn giao thông vận tải và giá cả tăng vọt gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ gây ra lạm phát.
Kinh tế thế giới phục hồi, chuỗi cung ứng chịu sức ép ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một năm trước, khi đại dịch COVID-19 hoành hành tại nhiều quốc gia, người tiêu dùng không dám tiến hành mua hàng, song hiện nay, kinh tế thế giới trên đà phục hồi và các doanh nghiệp đang tăng cường tích trữ hàng hóa.

Các chuyên gia nhận định hoạt động mua và tích trữ của doanh nghiệp đang gây sức ép lên chuỗi cung ứng. Tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn giao thông vận tải và giá cả tăng vọt gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ gây ra lạm phát.

Nhu cầu đang gia tăng đối với nhiều loại hàng hóa từ kim loại (đồng, quặng sắt, thép), thực phẩm (ngô, cà phê, lúa mì, đậu tương) cho đến các nguyên liệu khác như gỗ xẻ, chất bán dẫn, nhựa và bìa cứng. Tom Linebarger, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của nhà sản xuất động cơ và máy phát điện Cummins Inc., cho rằng khách hàng đang cố gắng mua mọi thứ có thể khi nhận thấy nhu cầu tăng cao.

Tình hình càng trầm trọng hơn khi các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như các sự cố bất thường tác động tiêu cực đến hệ thống phân phối hàng hóa trong những tháng gần đây. Vụ tàu vận tải mắc kẹt tại kênh đào Suez đã gây tắc nghẽn chuỗi vận chuyển toàn cầu trong tháng Ba.

[Quan chức EU nhận định về gói kích thích kinh tế bổ sung]

Trong khi đó, hạn hán tàn phá các loại cây nông nghiệp và một đợt băng giá gây mất điện hàng loạt và làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh năng lượng và hóa dầu trên khắp miền trung nước Mỹ trong tháng Hai.

Cách đây chưa đầy hai tuần, tin tặc đã tấn công Colonial Pipeline, mạng lưới đường ống dẫn dầu hàng đầu nước Mỹ và khiến giá xăng lần đầu tiên vọt lên trên 3 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) kể từ năm 2014.

Ngày càng có nhiều nhà quan sát cảnh báo rằng lạm phát chắc chắn sẽ tăng nhanh và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang phải đối mặt với những câu hỏi mới về việc khi nào cơ quan này sẽ tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Động thái có thể làm đảo lộn các kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra một số lý do khiến lạm phát khó vượt khỏi tầm kiểm soát. Quan chức Fed, Lael Brainard gần đây cho rằng các quan chức nên kiên nhẫn vượt qua sự gia tăng nhất thời của lạm phát.

Các đợt tăng giá lớn gần đây của hàng hóa một phần được cho là do so sánh với mức giảm mạnh của một năm trước. Hơn nữa, doanh số bán lẻ của Mỹ đã đình trệ trong tháng Tư sau khi tăng mạnh trong tháng trước đó và giá hàng hóa gần đây cũng đã rời khỏi mức cao nhất trong nhiều năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục