Ngày 18/12, Chính phủ Nhật Bản đã giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nước này trong năm tài khóa 2019, với nhận định chi tiêu vốn yếu hơn dự kiến trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này, không tính biến động giá cả hàng hóa, trong năm tài khóa 2019 (tính đến hết tháng 3/2020), dự kiến sẽ tăng 1,3%, thấp hơn so với mức dự báo tăng trưởng 1,5% được cơ quan này đưa ra hồi tháng Bảy.
Kinh tế Nhật Bản năm 2019 tiếp tục phục hồi chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa tăng do hiệu quả từ các chính sách của Chính phủ nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ việc tăng thuế tiêu dùng lên 10%, dự kiến vào tháng 10/2019, cũng như thị trường trường lao động và thu nhập được cải thiện nhờ các chính sách mới của Chính phủ.
[Nhật Bản trải qua giai đoạn tăng trưởng dài thứ 2 trong thời hậu chiến]
Chi tiêu vốn đã tăng mạnh những năm gần đây do lợi nhuận của các công ty Nhật Bản vững mạnh và đầu tư vào việc tiết kiệm lao động trong bối cảnh thiếu nhân công nghiêm trọng.
Chính phủ Nhật Bản dự báo chi tiêu vốn trong tài khóa 2019 dự kiến sẽ tăng 2,7%, thấp hơn mức dự báo 3,4% trước đó, do tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc.
Dự báo tiêu dùng cá nhân-lĩnh vực chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản - sẽ tăng 1.2%; nhu cầu nội địa tăng 1.4%.
GDP danh nghĩa năm tài khóa 2019 được dự báo sẽ tăng 2.4% lên 566.100 tỷ yen (5.000 tỷ USD), thấp hơn mức dự báo tăng 2,8% đưa ra hồi tháng Bảy.
Chính phủ Nhật Bản cũng giảm dự báo lạm phát trong năm tài khóa 2019. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng bao gồm năng lượng và thực phẩm tươi sống có khả năng chỉ tăng 1,1%, so với mức dự báo trước đó là tăng 1,5%.
Ngoài ra, dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản năm tài khóa 2018 cũng được hạ xuống mức 0.9%, so với mức dự báo tăng 1.5% đưa ra hồi tháng Bảy.
Văn phòng Nội các nước này cho biết, do ảnh hưởng thiệt hại của động đất và bão liên tiếp xảy ra trong Hè năm nay, GDP thực tế trong quý từ tháng Bảy đến tháng Chín của nước này tăng trưởng âm./.