Theo trang mạng moderndiplomacy.com, nền kinh tế toàn cầu hiện mới bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ngay cả Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là nơi xuất phát dịch COVID-19, vẫn đang phải vật lộn để chống lại đại dịch này.
Trong bối cảnh đại dịch chưa kết thúc, đầu năm 2022, thế giới lại bàng hoàng trước cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine. Mặc dù lúc đầu nguyên nhân dẫn đến cuộc xâm lược không phải là một vấn đề phức tạp, nhưng đến nay, cuộc chiến đã kéo dài 4 tháng, trở thành tiêu điểm mới trên thế giới và gây ra nhiều vấn đề, những rủi ro nguy hiểm về an ninh con người.
Đại dịch và chiến tranh Nga-Ukraine chỉ là 2 trong số những vấn đề lớn mà các chính phủ toàn cầu hiện nay phải đối mặt, đó là chưa tính đến các cuộc chiến tranh biên giới nhỏ, cuộc xâm lược của người Do Thái Israel trên lãnh thổ của Palestine, các dịch bệnh mới có khả năng đe dọa cuộc sống của con người, khí hậu và các vấn đề năng lượng.
Dịch COVID-19 và chiến tranh Nga-Ukraine được coi là những vấn đề và thách thức lớn ngày nay là bởi dịch bệnh và cuộc chiến này đe dọa dòng phân phối hàng hóa hậu cần cũng như năng lượng. Nếu nghiên cứu sâu hơn, một lý do nữa là bởi các quốc gia - vốn là những chủ thể chính trong thời điểm này - là các quốc gia có quyền lực lớn.
Sự tham gia của các cường quốc sẽ trở thành một thỏi nam châm thu hút các nước khác, nhiều nước và cả các chủ thể nhà nước có liên quan cũng sẽ cảm nhận được tác động này. Tác động lớn nhất trên toàn cầu hiện nay là dịch bệnh và chiến tranh đang đe dọa sự ổn định kinh tế toàn cầu. Ít nhất, có khoảng 10 quốc gia trên thế giới đã xảy ra lạm phát và bị đe dọa suy thoái trong quý 2/2022.
Các khái niệm cơ bản
Một số quốc gia lớn trên thế giới hiện có tỷ lệ lạm phát cao, và thậm chí đang trải qua thời kỳ suy thoái. Trước khi thảo luận sâu hơn về lạm phát và lạm phát kèm suy thoái, cần nhắc lại một số thuật ngữ về các mối đe dọa đối với môi trường kinh tế.
Có ít nhất 4 thuật ngữ mà các nhà kinh tế học sử dụng để mô tả các mối đe dọa kinh tế, đó là: suy thoái, biến động, lạm phát và khủng hoảng kinh tế.
Suy thoái là thời điểm tăng trưởng kinh tế của một quốc gia giảm trong 2 quý liên tiếp. Suy thoái thường được đánh dấu bằng tình trạng giảm sức mua của người dân và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Sự khác biệt giữa suy thoái và khủng hoảng là tác động của suy thoái được phân bổ đồng đều hơn trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Ví dụ, những thứ gây ra suy thoái là những cú sốc kinh tế do đại dịch, nợ quá mức và đầu tư kém hiệu quả. Ngoài ra, tình trạng giảm phát không được kiểm soát cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế.
Biến động là tình trạng một số chỉ số kinh tế của một quốc gia giảm mạnh. Điều này được gây ra bởi các nền tảng kinh tế yếu kém, ví dụ như tăng trưởng kinh tế bị đình trệ. Các dấu hiệu thường thấy là sự suy giảm khả năng chi tiêu của chính phủ, sức mua của người dân thấp và giá cả các mặt hàng cơ bản tăng cao.
Lạm phát là tình trạng giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng liên tục trong một khoảng thời gian nhất định. Lạm phát là do sự gia tăng lưu thông tiền tệ trong xã hội, tăng chi phí sản xuất và mất cân đối giữa cung và cầu. Tác động của lạm phát có thể làm cho sức mua của mọi người giảm.
[Lạm phát tại khu vực Eurozone lập kỷ lục mới trong tháng 5]
Nếu sức mua giảm trong một khoảng thời gian nhất định sẽ tự động làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, từ đó có thể dẫn đến suy thoái. Lạm phát cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng, thậm chí là suy thoái.
Trong khi đó, điều mà người ta lo sợ nhất sẽ xảy ra nếu suy thoái không chấm dứt là khủng hoảng kinh tế. Khủng hoảng kinh tế cũng có thể được hiểu là một cuộc suy thoái nghiêm trọng kéo dài đến hai năm liên tiếp. Có nghĩa là, nếu có suy thoái kinh tế, có nghĩa là vấn đề kinh tế không thể giải quyết được. Điều này gây ra tác động xấu hơn, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn và gây ra tác động toàn cầu.
“Cơn sóng thần” lạm phát đã quét qua Mỹ, các nước châu Âu và các quốc gia khác. Ít nhất 60% các nước có tỷ lệ lạm phát hàng năm trên 5%. Ở các nước đang phát triển, lạm phát có thể trên 7%. Theo dữ liệu từ Trading Economics vào tháng 4/2022, có ít nhất 10 quốc gia có mức lạm phát cao nhất, trong đó đứng đầu là Venezuela với mức lạm phát cao lên tới 222%, tiếp theo là Zimbabwe - 96,40% và sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ với mức lạm phát gần 70% vào tháng 4 vừa qua.
Tăng trưởng kinh tế không ổn định gây ra suy thoái và các cuộc khủng hoảng. Cả thế giới hiện đều nhất trí rằng tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ đạt trung bình 3,3% trong năm nay, giảm so với mức 4,1% được dự báo hồi tháng 1/2022, trước khi chiến tranh tại Ukraine nổ ra.
Lạm phát toàn cầu được dự báo là 6,2%, cao hơn 2,25% so với dự báo hồi tháng 1/2022. Quỹ Tiền tệ Thế giới đã hạ mức dự báo của họ trong năm nay đối với 143 quốc gia chiếm 86% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Mối đe dọa của lạm phát kèm suy thoái toàn cầu 2022
Một thực tế mà nhiều nước trên thế giới phải tính đến hiện nay là lạm phát cao hơn và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Giờ đây, thế giới đang phải đối mặt với một tình trạng mới của mối đe dọa kinh tế toàn cầu, đó là “lạm phát kèm suy thoái” (stagflation) đang hiện hữu.
Lạm phát kèm suy thoái là tỷ lệ lạm phát vượt quá mức dự đoán, trong khi các dự báo về tăng trưởng đang giảm nhanh chóng. Theo một cách mô tả khác, lạm phát kèm suy thoái là khi giá hàng hóa tiếp tục ở mức cao trong khi thu nhập không tăng.
Lạm phát phản ánh thời điểm dù bạn có cố gắng kiếm tiền đến đâu nhưng số tiền bạn thu về vẫn không đủ đáp ứng tỷ giá hối đoái hàng hóa, trong khi đó các hoạt động kinh doanh có giá trị kinh tế cũng không thể thực hiện được vì nguyên vật liệu khan hiếm. dẫn đến tình trạng số lượng người thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Lạm phát kèm suy thoái cũng được định nghĩa là tình trạng thất nghiệp kèm theo lạm phát. Lạm phát kèm suy thoái dẫn tới một lựa chọn khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách: đâu là cách làm, chiến thuật và thời điểm đúng đắn. Đến nay, giá cả các nhu cầu cơ bản trên thị trường liên tục tăng, trong khi tỷ giá hối đoái vẫn yếu và việc làm ngày càng khó khăn, tiền lương, tiền công không tăng, trong khi các nhu cầu cơ bản tiếp tục tăng chóng mặt.
Liệu lạm phát và mối đe dọa lạm phát kèm suy thoái có làm thay đổi sức mạnh hiện tại?
Sức mạnh kinh tế là một phần trong sức mạnh mềm của một quốc gia, song không thể phủ nhận rằng hiện nay rất khó tránh khỏi một cuộc chiến tranh (quân sự) thực sự. Cả hai loại quyền lực (mềm và cứng) đều rất rõ ràng và dễ cảm nhận thấy, thậm chí thông tin lan truyền khắp thế giới rất nhanh.
Tình trạng mà trong đó hai cường quốc cùng thống trị là đặc điểm của mô hình trật tự nhà nước toàn cầu hiện nay. Chúng ta thấy rằng trong nhiều năm, Mỹ đã giữ vị trí cường quốc hàng đầu thế giới.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, đã có sự chuyển dịch quyền lực theo hướng nghiêng về Mỹ, trong đó Mỹ dẫn đầu và cũng kiểm soát văn hóa, giáo dục, kinh tế, thậm chí là cả vũ khí trên toàn cầu, vì vậy không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo Mỹ hoặc không có bất kỳ vị trí nào trên thế giới này.
Tuy nhiên, hiện nay mọi thứ đang bắt đầu thay đổi. Đồng USD yếu đi và đồng ruble Nga mạnh lên phản ánh các đặc điểm của quyền lực mềm hiện nay. Hóa ra, các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga không khiến đất nước này rơi vào tình trạng tồi tệ hơn.
Các chính sách kinh tế của Nga làm tăng giá dầu mỏ và khí đốt và yêu cầu thành toán bằng đồng ruble đã buộc các nước trừng phạt phải suy nghĩ lại về việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, bởi vì Nga là nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.
Than đá và khí đốt tự nhiên rất cần thiết cho sự tồn tại của sự sống, đặc biệt là trong mùa Đông băng giá. Một cuộc chiến kéo dài giữa Nga và Ukraine sẽ có thể khiến thế giới phải đối mặt với rủi ro kinh tế tồi tệ nhất mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Không chỉ các nước đang có chiến tranh, các quốc gia khác cũng cảm nhận được tác động của sự chuyển dịch hiện nay, dù muốn hay không.
Các chủ thể nhà nước phải khôn ngoan trong việc đưa ra quyết định phải đứng về bên nào và những rủi ro họ sẽ phải hứng chịu. Rất khó để các nước đang phát triển đứng trung lập. Nếu họ ngả về một bên, họ sẽ phải chịu rủi ro, nhưng nếu họ trung lập, họ sẽ bị cả hai phía cáo buộc là kẻ phản bội.
Tuy nhiên, rút lui hoàn toàn lại là điều không thể, bởi vì các quốc gia không liên quan tới cuộc chiến này đều cần nguồn cung từ các quốc gia tham chiến, có thể là năng lượng hay lương thực, nên không có chuyện kẻ thù vĩnh viễn hay bạn bè vĩnh cửu, chỉ có quyền lợi là vĩnh viễn.
Điều cần làm là không được quá phụ thuộc vào người khác, ở cấp nhà nước, đã đến lúc giảm phụ thuộc vào hàng hóa và năng lượng từ bên ngoài, cần tạo ra các bước đột phá mới, hạn chế tối đa xuất khẩu. Ở cấp độ cá nhân, điều cần làm là giảm bớt hành vi tiêu dùng và làm quen với những khuôn mẫu và lối sống đơn giản, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào chính phủ và một số đảng phái nhất định./.