Các nhà phân tích nhận định nền kinh tế thế giới đang trong tình trạng "u ám nhất" kể từ "những ngày đen tối" năm 2009.
Sáu trong tổng số 17 nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã rơi vào suy thoái, kinh tế Mỹ đang vật lộn với khó khăn, trong khi các "siêu sao" kinh tế của thế giới đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil thì cũng đối đầu thực tế tốc độ tăng GDP đang chậm lại.
“Bóng mây u ám” rất lớn đang bao trùm kinh tế thế giới cho thấy những hệ quả của toàn cầu hóa là “tránh đâu cũng không thoát.”
Các nền kinh tế trên toàn thế giới chưa bao giờ liên kết chặt chẽ như bây giờ. Điều này có nghĩa là khi một khu vực “hắt hơi” thì các khu vực khác cũng không tránh được tình trạng “sổ mũi.”
Nó lý giải tại sao sự tăng trưởng chậm lại của châu Âu lại gây tổn thương cho các nhà máy của Trung Quốc đến vậy hay vì sao các nhà máy Trung Quốc lại giảm mua quặng sắt của Brazil.
Trong bối cảnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 xuống 3,5%, mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Vào thời điểm hiện nay, ít người cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nữa. Các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Anh, Brazil, Hàn Quốc và châu Âu trong tháng qua đã hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn vào việc thúc đẩy tăng trưởng song song với việc thực thi những biện pháp thắt lưng buộc bụng để cắt giảm nợ và thâm hụt ngân sách.
Trong khi đó, theo nhiều nhận định, Chính phủ Trung Quốc sẽ làm mọi việc để bảo vệ nền kinh tế khỏi bị suy giảm nhanh chóng. Thực tế thì tuy tốc độ tăng GDP của Trung Quốc và Ấn Độ có giảm nhưng mức tăng của hai nền kinh tế này vẫn là một "mong ước" của Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế nói rằng các nhà hoạch định chính sách châu Âu không thể hành động đủ nhanh để củng cố các ngân hàng châu Âu, đồng thời giảm lãi suất đi vay cho Italy và Tây Ban Nha.
Họ lo ngại về tác động của kinh tế toàn cầu nếu tình hình kinh tế châu Âu ngày càng xấu đi. Biến động gần như hàng ngày của giá cổ phiếu tại Mỹ và những nước khác phụ thuộc vào triển vọng thực hiện hiệu quả những giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
Mỹ “loay hoay” lấy lại đà tăng trưởng
Mỹ có “bề dầy truyền thống” đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng đang cần được giúp đỡ.
Ba năm sau khi cuộc “Đại suy thoái” của Thế kỷ 21 chính thức chấm dứt, kinh tế Mỹ vẫn chưa thể lấy lại đà tăng trưởng.
Trong năm thứ ba liên tiếp, tăng trưởng kinh tế của nước này đã chững lại vào giữa năm sau khi có một khởi đầu đầy hứa hẹn khi bước vào năm mới.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đứng ở mức 8,2% trong tháng 6/2012, tháng thứ 41 liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp trên 8%. Chi tiêu của người dân Mỹ trong cùng thời gian này giảm trong tháng thứ ba liên tiếp.
Các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý III năm 2012 (kết thúc tháng 6/2012). Khi Chính phủ Mỹ đưa ra dự đoán đầu tiên hôm 20/6, rất nhiều người đã cho rằng Mỹ thậm chí sẽ không đạt được mức tăng trưởng chậm 1,9% của quý I năm 2012.
Kinh tế toàn cầu suy giảm đang đe dọa các hoạt động xuất khẩu của Mỹ - vốn đang đóng góp một mức lớn khá bất thường là 43% vào GDP của nước này kể từ khi khủng hoảng kinh tế chính thức chấm dứt vào tháng 6/2009.
Lòng tin của người tiêu dùng đã giảm trong 4 tháng liên tiếp trong bối cảnh hầu như chẳng công ty nào muốn tuyển thêm nhân công vì lo ngại Chính phủ sẽ tăng thuế và giảm chi vào cuối năm nay, nếu Quốc hội không khơi thông được thế bế tắc trong lúc kinh tế tăng trưởng yếu.
IMF đã cảnh báo về tác động đối với phần còn lại của thế giới nếu kinh tế Mỹ rơi vào cái gọi là "vách đá" hay "vực thẳm tài chính."
Châu Âu “vùng vẫy” trong khủng hoảng nợ công
Những trở ngại đối với châu Âu thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Khu vực này đang phải đối mặt các khoản nợ công khổng lồ, các ngân hàng phải chật vật để trụ vững và nhiều nền kinh tế đã lâm vào suy thoái.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone hiện lên tới 11%, mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999. Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italy và Tây Ban Nha đang chìm trong suy thoái; kinh tế Đức và Pháp tuy khá hơn, song có lẽ sẽ tăng trưởng chậm hơn so với Mỹ trong năm 2012.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chuẩn bị sẵn một lượng tiền lớn để cho các ngân hàng châu Âu vay với lãi suất thấp, nhằm khôi phục hoạt động cho vay. Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn không mặn mà với việc vay tiền do e ngại về thu nhập bấp bênh của họ trong tương lai.
Nhiều người lo rằng Hy Lạp và có thể là những nước khác sẽ vỡ nợ và phải từ bỏ đồng tiền chung châu Âu. Nguy cơ này nếu xảy ra có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính khắp châu Âu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh tháng trước, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được một số thỏa thuận giúp bình ổn thị trường trong ít ngày.
Tuy nhiên, tinh thần lạc quan này đã nhanh chóng qua đi, bởi giới đầu tư nhận thấy Chính phủ các nước trong khu vực vẫn nợ "đầm đìa" và các ngân hàng đối mặt những khoản cho vay không sinh lời. Bản thân châu Âu cũng đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng đình trệ và mối đe dọa liên minh tiền tệ sụp đổ.
Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ suy giảm 0,3% trong năm nay, song nhiều nhà kinh tế lo ngại mức độ giảm sẽ còn mạnh hơn nữa.
Các ngôi sao của nhóm BRICS cũng kém sáng
Một diễn biến được cho là tác động xấu đến bức tranh chung của kinh tế toàn cầu là Trung Quốc hồi tuần trước cho hay kinh tế nước này trong quý II năm 2012 tăng trưởng 7,6% - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009.
Tính đến quý II năm 2012, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong quý thứ tám liên tiếp. Đây là chuỗi tăng trưởng chậm lại dài nhất (được thống kê) tính từ năm 1999.
Sự tăng trưởng chậm lại này một phần là đã được tính toán trước, bởi trong năm 2010 và 2011, Trung Quốc đã tăng lãi suất và áp dụng các biện pháp khác để kìm hãm lạm phát và làm nguội thị trường bất động sản quá nóng.
Trung Quốc cũng đang cảm thấy sức nóng lan tỏa từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu - khu vực chi phối khoảng 17% hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Trong tháng 6/2012, xuất khẩu của Trung Quốc sang Italy giảm 24%, sang Pháp giảm 5% và sang Đức giảm gần 4%.
Sự sụt giảm về nhu cầu của châu Âu đối với các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất, như đồ chơi và giầy dép, đã tác động mạnh nhất tới các nhà máy chế tạo chuyên sản xuất phục vụ xuất khẩu bố trí dọc bờ biển Đông Nam của Trung Quốc. Một số công ty đã phải đóng cửa, số khác cắt giảm việc làm.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil - nền kinh tế lớn thứ tám thế giới. Theo Liên đoàn Công nghiệp Sao Paulo, Brazil trong năm nay có thể chỉ tăng trưởng 1,8%.
Khi kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, nhu cầu của Trung Quốc đối với đậu tương và quặng sắt của Brazil cũng giảm.
Đồng nội tệ tương đối mạnh của Brazil chẳng những không giúp ích gì mà còn làm cho hàng hóa của nước này trở nên đắt đỏ hơn đối với các khách hàng nước ngoài.
Ngoài ra, Brazil cũng vấp phải vấn đề nợ tiêu dùng giống như Mỹ. Từ năm 2003 tới nay, khoảng 40 triệu người Brazil "gia nhập" tầng lớp trung lưu và có nhu cầu mua sắm lớn - xu hướng mà các nhà lãnh đạo Brazil cho rằng đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây và bảo vệ nước này trước những cú sốc bên ngoài.
Tuy nhiên, phần lớn hoạt động mua sắm này là mua chịu và số hóa đơn mua chịu ngày càng tăng. Trong báo cáo công bố tuần trước, tổ chức nghiên cứu Capital Economics dự đoán số tiền trả nợ hiện chiếm tới 20% thu nhập của một hộ gia đình tại Brazil.
Tương tự, triển vọng tại Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ tư thế giới - cũng không sáng sủa hơn. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong quý I năm 2012 đã chậm lại còn 5,3% - mức thấp nhất trong 9 năm qua.
Trong báo cáo hồi tuần trước, nhà kinh tế cao cấp Andrew Kenningham thuộc Capital Economics cho rằng những khó khăn kinh tế của Ấn Độ phần lớn là do nước này tự chuốc lấy.
Nguyên nhân là sự quản lý yếu kém của nước này. Chính phủ đã thất hứa trong việc tạo thuận lợi cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Ấn Độ, áp mức thuế cao đối với những công ty Ấn Độ mua công ty ở nước ngoài.
Các nhà máy tại nước này giảm sản lượng, trong khi tỷ lệ lạm phát cao - trung bình hơn 9% trong hai năm qua - đã làm “bốc hơi” thu nhập của nhiều người dân Ấn Độ.
Sự tăng trưởng chậm lại của những nước đang phát triển khiến cho nỗ lực “thoát hiểm” của các nền kinh tế châu Âu và Mỹ gặp khó khăn. Ngược lại, các nước giàu càng suy yếu, các nước đang phát triển sẽ càng khó lấy lại được đà tăng trưởng nhanh trước đây.
Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde, hồi đầu tháng này nhận định: "Trong thế giới có mối liên kết chặt chẽ như hiện nay, chúng ta không thể chỉ theo dõi những gì xảy ra trong khuôn khổ nước mình. Cuộc khủng hoảng hiện nay không phân biệt đường biên giới. Nó đang gõ cửa tất cả các nước"./.
Sáu trong tổng số 17 nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã rơi vào suy thoái, kinh tế Mỹ đang vật lộn với khó khăn, trong khi các "siêu sao" kinh tế của thế giới đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil thì cũng đối đầu thực tế tốc độ tăng GDP đang chậm lại.
“Bóng mây u ám” rất lớn đang bao trùm kinh tế thế giới cho thấy những hệ quả của toàn cầu hóa là “tránh đâu cũng không thoát.”
Các nền kinh tế trên toàn thế giới chưa bao giờ liên kết chặt chẽ như bây giờ. Điều này có nghĩa là khi một khu vực “hắt hơi” thì các khu vực khác cũng không tránh được tình trạng “sổ mũi.”
Nó lý giải tại sao sự tăng trưởng chậm lại của châu Âu lại gây tổn thương cho các nhà máy của Trung Quốc đến vậy hay vì sao các nhà máy Trung Quốc lại giảm mua quặng sắt của Brazil.
Trong bối cảnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 xuống 3,5%, mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Vào thời điểm hiện nay, ít người cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nữa. Các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Anh, Brazil, Hàn Quốc và châu Âu trong tháng qua đã hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn vào việc thúc đẩy tăng trưởng song song với việc thực thi những biện pháp thắt lưng buộc bụng để cắt giảm nợ và thâm hụt ngân sách.
Trong khi đó, theo nhiều nhận định, Chính phủ Trung Quốc sẽ làm mọi việc để bảo vệ nền kinh tế khỏi bị suy giảm nhanh chóng. Thực tế thì tuy tốc độ tăng GDP của Trung Quốc và Ấn Độ có giảm nhưng mức tăng của hai nền kinh tế này vẫn là một "mong ước" của Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế nói rằng các nhà hoạch định chính sách châu Âu không thể hành động đủ nhanh để củng cố các ngân hàng châu Âu, đồng thời giảm lãi suất đi vay cho Italy và Tây Ban Nha.
Họ lo ngại về tác động của kinh tế toàn cầu nếu tình hình kinh tế châu Âu ngày càng xấu đi. Biến động gần như hàng ngày của giá cổ phiếu tại Mỹ và những nước khác phụ thuộc vào triển vọng thực hiện hiệu quả những giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
Mỹ “loay hoay” lấy lại đà tăng trưởng
Mỹ có “bề dầy truyền thống” đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng đang cần được giúp đỡ.
Ba năm sau khi cuộc “Đại suy thoái” của Thế kỷ 21 chính thức chấm dứt, kinh tế Mỹ vẫn chưa thể lấy lại đà tăng trưởng.
Trong năm thứ ba liên tiếp, tăng trưởng kinh tế của nước này đã chững lại vào giữa năm sau khi có một khởi đầu đầy hứa hẹn khi bước vào năm mới.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đứng ở mức 8,2% trong tháng 6/2012, tháng thứ 41 liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp trên 8%. Chi tiêu của người dân Mỹ trong cùng thời gian này giảm trong tháng thứ ba liên tiếp.
Các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý III năm 2012 (kết thúc tháng 6/2012). Khi Chính phủ Mỹ đưa ra dự đoán đầu tiên hôm 20/6, rất nhiều người đã cho rằng Mỹ thậm chí sẽ không đạt được mức tăng trưởng chậm 1,9% của quý I năm 2012.
Kinh tế toàn cầu suy giảm đang đe dọa các hoạt động xuất khẩu của Mỹ - vốn đang đóng góp một mức lớn khá bất thường là 43% vào GDP của nước này kể từ khi khủng hoảng kinh tế chính thức chấm dứt vào tháng 6/2009.
Lòng tin của người tiêu dùng đã giảm trong 4 tháng liên tiếp trong bối cảnh hầu như chẳng công ty nào muốn tuyển thêm nhân công vì lo ngại Chính phủ sẽ tăng thuế và giảm chi vào cuối năm nay, nếu Quốc hội không khơi thông được thế bế tắc trong lúc kinh tế tăng trưởng yếu.
IMF đã cảnh báo về tác động đối với phần còn lại của thế giới nếu kinh tế Mỹ rơi vào cái gọi là "vách đá" hay "vực thẳm tài chính."
Châu Âu “vùng vẫy” trong khủng hoảng nợ công
Những trở ngại đối với châu Âu thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Khu vực này đang phải đối mặt các khoản nợ công khổng lồ, các ngân hàng phải chật vật để trụ vững và nhiều nền kinh tế đã lâm vào suy thoái.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone hiện lên tới 11%, mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999. Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italy và Tây Ban Nha đang chìm trong suy thoái; kinh tế Đức và Pháp tuy khá hơn, song có lẽ sẽ tăng trưởng chậm hơn so với Mỹ trong năm 2012.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chuẩn bị sẵn một lượng tiền lớn để cho các ngân hàng châu Âu vay với lãi suất thấp, nhằm khôi phục hoạt động cho vay. Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn không mặn mà với việc vay tiền do e ngại về thu nhập bấp bênh của họ trong tương lai.
Nhiều người lo rằng Hy Lạp và có thể là những nước khác sẽ vỡ nợ và phải từ bỏ đồng tiền chung châu Âu. Nguy cơ này nếu xảy ra có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính khắp châu Âu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh tháng trước, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được một số thỏa thuận giúp bình ổn thị trường trong ít ngày.
Tuy nhiên, tinh thần lạc quan này đã nhanh chóng qua đi, bởi giới đầu tư nhận thấy Chính phủ các nước trong khu vực vẫn nợ "đầm đìa" và các ngân hàng đối mặt những khoản cho vay không sinh lời. Bản thân châu Âu cũng đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng đình trệ và mối đe dọa liên minh tiền tệ sụp đổ.
Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ suy giảm 0,3% trong năm nay, song nhiều nhà kinh tế lo ngại mức độ giảm sẽ còn mạnh hơn nữa.
Các ngôi sao của nhóm BRICS cũng kém sáng
Một diễn biến được cho là tác động xấu đến bức tranh chung của kinh tế toàn cầu là Trung Quốc hồi tuần trước cho hay kinh tế nước này trong quý II năm 2012 tăng trưởng 7,6% - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009.
Tính đến quý II năm 2012, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong quý thứ tám liên tiếp. Đây là chuỗi tăng trưởng chậm lại dài nhất (được thống kê) tính từ năm 1999.
Sự tăng trưởng chậm lại này một phần là đã được tính toán trước, bởi trong năm 2010 và 2011, Trung Quốc đã tăng lãi suất và áp dụng các biện pháp khác để kìm hãm lạm phát và làm nguội thị trường bất động sản quá nóng.
Trung Quốc cũng đang cảm thấy sức nóng lan tỏa từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu - khu vực chi phối khoảng 17% hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Trong tháng 6/2012, xuất khẩu của Trung Quốc sang Italy giảm 24%, sang Pháp giảm 5% và sang Đức giảm gần 4%.
Sự sụt giảm về nhu cầu của châu Âu đối với các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất, như đồ chơi và giầy dép, đã tác động mạnh nhất tới các nhà máy chế tạo chuyên sản xuất phục vụ xuất khẩu bố trí dọc bờ biển Đông Nam của Trung Quốc. Một số công ty đã phải đóng cửa, số khác cắt giảm việc làm.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil - nền kinh tế lớn thứ tám thế giới. Theo Liên đoàn Công nghiệp Sao Paulo, Brazil trong năm nay có thể chỉ tăng trưởng 1,8%.
Khi kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, nhu cầu của Trung Quốc đối với đậu tương và quặng sắt của Brazil cũng giảm.
Đồng nội tệ tương đối mạnh của Brazil chẳng những không giúp ích gì mà còn làm cho hàng hóa của nước này trở nên đắt đỏ hơn đối với các khách hàng nước ngoài.
Ngoài ra, Brazil cũng vấp phải vấn đề nợ tiêu dùng giống như Mỹ. Từ năm 2003 tới nay, khoảng 40 triệu người Brazil "gia nhập" tầng lớp trung lưu và có nhu cầu mua sắm lớn - xu hướng mà các nhà lãnh đạo Brazil cho rằng đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây và bảo vệ nước này trước những cú sốc bên ngoài.
Tuy nhiên, phần lớn hoạt động mua sắm này là mua chịu và số hóa đơn mua chịu ngày càng tăng. Trong báo cáo công bố tuần trước, tổ chức nghiên cứu Capital Economics dự đoán số tiền trả nợ hiện chiếm tới 20% thu nhập của một hộ gia đình tại Brazil.
Tương tự, triển vọng tại Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ tư thế giới - cũng không sáng sủa hơn. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong quý I năm 2012 đã chậm lại còn 5,3% - mức thấp nhất trong 9 năm qua.
Trong báo cáo hồi tuần trước, nhà kinh tế cao cấp Andrew Kenningham thuộc Capital Economics cho rằng những khó khăn kinh tế của Ấn Độ phần lớn là do nước này tự chuốc lấy.
Nguyên nhân là sự quản lý yếu kém của nước này. Chính phủ đã thất hứa trong việc tạo thuận lợi cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Ấn Độ, áp mức thuế cao đối với những công ty Ấn Độ mua công ty ở nước ngoài.
Các nhà máy tại nước này giảm sản lượng, trong khi tỷ lệ lạm phát cao - trung bình hơn 9% trong hai năm qua - đã làm “bốc hơi” thu nhập của nhiều người dân Ấn Độ.
Sự tăng trưởng chậm lại của những nước đang phát triển khiến cho nỗ lực “thoát hiểm” của các nền kinh tế châu Âu và Mỹ gặp khó khăn. Ngược lại, các nước giàu càng suy yếu, các nước đang phát triển sẽ càng khó lấy lại được đà tăng trưởng nhanh trước đây.
Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde, hồi đầu tháng này nhận định: "Trong thế giới có mối liên kết chặt chẽ như hiện nay, chúng ta không thể chỉ theo dõi những gì xảy ra trong khuôn khổ nước mình. Cuộc khủng hoảng hiện nay không phân biệt đường biên giới. Nó đang gõ cửa tất cả các nước"./.
Như Mai (TTXVN)