Kinh tế thế giới bị lao đao, vị thế ASEAN nâng cao

Tại phiên họp thường kỳ của Bộ trưởng Kinh tế các quốc gia thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại thành phố Manado của Indonesia ngày 10/8, đã có những lời kêu gọi ASEAN cần phải có câu trả lời đáp lại thách thức toàn cầu từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu, ASEAN được kỳ vọng sẽ nâng cao được vị thế của mình do khối này tương đối "miễn dịch" trước cuộc khủng hoảng này với mức tăng trưởng kinh tế đáng kể và mối liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên sẽ giúp họ ít bị phụ thuộc hơn vào các quốc gia phát triển.
Tại phiên họp thường kỳ của Bộ trưởng Kinh tế các quốc gia thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại thành phố Manado của Indonesia ngày 10/8, đã có những lời kêu gọi ASEAN cần phải có câu trả lời đáp lại thách thức toàn cầu từ cuộc khủng hoảng kinh tế.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu, ASEAN được kỳ vọng sẽ nâng cao được vị thế của mình do khối này tương đối "miễn dịch" trước cuộc khủng hoảng này với mức tăng trưởng kinh tế đáng kể và mối liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên sẽ giúp họ ít bị phụ thuộc hơn vào các quốc gia phát triển.

Năm 2009, tăng trưởng kinh tế của ASEAN giảm xuống chỉ còn 1,6% song đã nhanh chóng tăng lên mức 7,4% trong năm 2010. Thành công của ASEAN trong việc đối phó với tác động của các cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008-2009 khiến giới chức lãnh đạo ở khu vực lạc quan tin rằng khối này có thể chống chọi được tác động của các cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại các quốc gia phát triển.

Cơ chế thuế quan thấp hơn và khả năng tiếp cận các thị trường lớn hơn sau khi thực thi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa ASEAN và các đối tác đối thoại như Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và New Zealand đang góp phần tích cực vào đà tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN.

Với hơn 600 triệu dân, mức tăng trưởng kinh tế vào khoảng 5,7-6,4% trong năm nay và tổng GDP đạt gần 1.500 tỷ USD, ASEAN đang đóng vai trò là một động lực tăng trưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí là trên toàn cầu. ASEAN hiện đang là đối thủ thực sự của các nền kinh tế như Trung Quốc, Mỹ và EU.

Hơn nữa, trong điều kiện suy thoái kéo dài ở Mỹ và Tây Âu, cơ hội để các nước Đông Nam Á mở rộng sự hiện diện trên thị trường toàn cầu đang tăng lên. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, rõ ràng Mỹ và châu Âu không còn có thể đóng vai trò là động lực chính của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, con đường để ASEAN tăng cường ảnh hưởng kinh tế của mình không hề đơn giản và bằng phẳng. ASEAN vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức để đạt được mục tiêu của mình.

Bộ trưởng Thương Mại Indonesia Mari Elka Pangestu cho rằng ASEAN cần khẩn trương thực hiện kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2015 đúng thời hạn. Cộng đồng này sau khi được thành lập, hiển nhiên sẽ tăng cường vị thế của ASEAN như một trong những trung tâm tích cực và năng động nhất của nền kinh tế thế giới.

Bà Pangestu nói: "Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các quốc gia thành viên và cho phép ASEAN cùng phát triển lớn mạnh với các đối tác đối thoại của mình. Chúng ta cũng cần phải tăng cường mối liên kết của ASEAN với các quốc gia khác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương để giúp ASEAN được kết nối với chuỗi cung cấp toàn cầu."

Những năm gần đây, mặc dù các quốc gia thành viên ASEAN đã thực sự đạt được bước tiến quan trọng trong việc giảm các rào cản thương mại và đầu tư giữa các quốc gia của khối, song yêu cầu hội nhập khu vực đang phải đối mặt với những vấn đề như độ cơ động thấp về dự trữ lao động, thiếu pháp lý thống nhất về kinh tế và thương mại, ít thành công trong việc điều phối chính sách chung về tiền tệ.

Giáo sư Sergei Luzyanin, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho rằng một trong những rào chắn ngăn cản sự hợp tác mật thiết hơn nữa giữa các nước ASEAN là sự phân hóa quyền lợi.

Ông phân tích: “Nếu nhìn tổng thể toàn bộ châu Á, đề án hội nhập ASEAN hứa hẹn nhiều triển vọng nhất. Tuy nhiên, vẫn có một số vướng mắc và trở ngại. Đó là khó khăn chính mang tính kinh tế liên quan đến quyền lợi của các quốc gia khác nhau, ở những đẳng cấp khác nhau, giữa các nước phát triển công nghiệp hóa cao như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và các quốc gia kém phát triển hơn như Lào, Campuchia, Myanmar. Hiệp hội gồm 10 nước gồm nhiều cấp độ phát triển và do đó, tạo lập một bình diện thống nhất cho sự hội nhập-liên kết là chuyện khá phức tạp.”

Rõ ràng, trong tiến trình thiết lập một thị trường chung, ASEAN sẽ không thể bỏ qua không giải quyết một vấn đề nữa, đó là tiếp tục xây dựng quan hệ giữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN với Trung Quốc như thế nào.

Từ ngày 1/1 năm nay khu vực tự do thương mại Trung Quốc-ASEAN đã được khởi động. Đây là một cơ sở thuận lợi để phát triển hợp tác. Tuy nhiên, ngay trong khối thái độ hướng tới khu vực thương mại tự do vẫn chưa phải là đồng nhất.

Giáo sư Sergei Luzyanin nói: "Việc tạo lập vùng thương mại tự do đã tạo động lực ban đầu cho phát triển giao thương giữa Trung Quốc và ASEAN. Thuế quan đối với một số hàng hóa đã được hạ thấp, cân đối trao đổi gia tăng. Tuy nhiên, sự liên kết với Trung Quốc mang cả ưu điểm (như đề án khai thác lưu vực đồng bằng sông Mekong với đầu tư từ Trung Quốc), lẫn nhược điểm.

Hiện có mối lo ngại rằng kinh tế Trung Quốc giống như một con trăn khổng lồ sẽ nuốt và tiêu hóa dần nền kinh tế ASEAN. Nền công nghiệp của các nước sẽ không thể đương đầu nổi trong sự cạnh tranh khốc liệt và sẽ bị đè bẹp. Như vậy, vẫn hiện hữu nguy cơ từ sự bành trướng đang ngày càng rộng của nền kinh tế Trung Quốc.”Do đó, ASEAN cần nhìn thấy lối thoát bằng cách phát triển cân đối mối quan hệ với tất cả các nền kinh tế hàng đầu thế giới, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục