Kinh tế thế giới 2012: Bức tranh nhiều màu xám

2012 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế thế giới, trong bối cảnh các giải pháp đưa ra cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu là chưa đủ.
Kinh tế thế giới trải qua năm 2011 đầy sóng gió, với một loạt thách thức như khủng hoảng nợ công nghiêm trọng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sức phục hồi "èo uột" của kinh tế Mỹ, đà tăng chậm lại của các nền kinh tế phát triển mới nổi, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát cao, tình hình bất ổn chính trị và thiên tai...

Các định chế toàn cầu như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giới chuyên gia, cũng như nhiều hãng phân tích có uy tín đều dự báo kinh tế thế giới ì ạch trong năm 2011, đồng thời đưa ra "đánh giá bi quan" về triển vọng năm 2012.

Những "trải nghiệm đớn đau" trong năm 2011

Vừa thoát ra khỏi cuộc khủng hoàng tài chính-kinh tế 2008-2009 và chưa kịp hồi phục trong năm 2010, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục "chao đảo" trong cơn bão nợ công ngày càng nghiêm trọng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), bắt nguồn từ sự chi tiêu thiếu kiểm soát của Hy Lạp. Cuộc khủng hoảng nợ đang có nguy cơ lan từ Hy Lạp sang nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư châu Âu là Italy và Tây Ban Nha.

Một số chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng hiện vẫn chưa tới đáy và nó có thể bùng nổ vào năm 2012. Các nước châu Âu, đứng đầu là Đức, đều ý thức rằng sự sụp đổ của đồng euro đồng nghĩa với sự tan rã của Eurozone.

Thời gian qua, giới lãnh đạo châu Âu, cùng với sự trợ giúp của IMF, đã đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề nợ của khu vực, như nâng Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu lên 1.000 tỷ USD, xoá 50% nợ cho Hy Lạp và cấp thêm cho nước này gói giải cứu thứ hai trị giá 230 tỷ USD, cùng với những quyết định quan trọng khác trong các cuộc họp cấp cao mới đây. Song, giới phân tích cho là chưa đủ và nếu Hy Lạp và một số nước khó khăn về tài chính như Italy, Tây Ban Nha... không mạnh tay giảm chi tiêu, các giải pháp trên sẽ không có tác dụng và những khoản giải cứu chỉ như "muối bỏ bể".

Trong khi đó, cái "vòng luẩn quẩn" của khó khăn tài chính cũng đã xuất hiện. Nhiều nước Eurozone đang triển khai các biện pháp "khắc khổ" để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Biện pháp này nhằm đáp ứng điều kiện của các chủ nợ, song lại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước. Nếu các nền kinh tế không tăng trưởng, nguồn thu từ thuế sẽ giảm và các nước mất khả năng trả lãi những khoản nợ. Trong báo cáo công bố tháng 11/2011, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone năm 2011 xuống 1,6%, từ 2% được đưa ra trước đó.

Hệ lụy từ cơn bão nợ công châu Âu cũng làm điêu đứng nhiều nền kinh tế khác như Mỹ, Nhật Bản và các nước đang nổi, vốn cũng có những vấn đề nội tại của mình. Đối với Mỹ, đầu tàu kinh tế thế giới này đang đối mặt với đà phục hồi yếu ớt, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, nợ công và thâm hụt ngân sách khổng lồ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đầu tháng 11/2011 thừa nhận kinh tế Mỹ trước mắt vẫn còn nhiều mối lo với tăng trưởng sẽ chậm lại trong khi tỷ lệ thất nghiệp có chiều hướng tăng lên. FED dự báo GDP của Mỹ năm 2011 dự kiến chỉ tăng 1,6%-1,7%, còn năm 2012 chỉ có thể tăng 2,5%-2,9%, thay vì 3,3%-3,7% như dự báo hồi tháng 6.

Các nền kinh tế mới nổi, vốn được coi là động lực tăng trưởng toàn cầu, cũng "lao đao" vì vấn đề tài chính của phương Tây. Nợ công của châu Âu và chính sách siết chặt tài chính ở Mỹ đang thu hẹp thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi bản thân Bắc Kinh cũng đang đối mặt với các vấn đề của chính mình như lạm phát cao, chi tiêu tiêu dùng hạn hẹp, nợ xấu của các địa phương.

Theo số liệu mới nhất của của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 9,1% trong quý 3/2011, thấp hơn mức tăng 9,5% được ghi nhận trong quý II và là mức tăng thấp nhất trong hai năm qua. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã chậm lại quý thứ ba liên tiếp, giữa lúc Bắc Kinh thắt chặt các hoạt động cho vay và tăng lãi suất do lo ngại lạm phát ngày một gia tăng.

Tại Ấn Độ, cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, cùng với đà phục hồi yếu của kinh tế Mỹ, đã khiến New Delhi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này xuống còn 7,5% trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3/2012, từ mức dự đoán 9% được đưa ra trước đó.

Theo Bộ Tài chính Ấn Độ, môi trường kinh tế toàn cầu ngày một sa sút đã tác động xấu đến kinh tế Ấn Độ. Cùng với một số nhân tố yếu kém ở trong nước như lạm phát cao, tình hình thế giới rõ ràng đã làm suy yếu đà tăng trưởng của Ấn Độ trong nửa đầu tài khoá 2011-2012.

Thiên tai cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số nước trong khu vực châu Á trong năm 2011. Bên cạnh đó, bất ổn chính trị, đặc biệt là cuộc cách mạng "Mùa xuân Arập", bắt nguồn từ Tunisia và bùng phát mãnh liệt sang các nước Arập lân cận hồi cuối tháng 1/2011, ảnh hưởng nghiêm trọng đến một loạt nền kinh tế. Ai Cập, Syria, Tunisia, Libya, Bahrain và Yemen chịu tác động nặng nề, với hệ thống tiền tệ chịu áp lực lớn, giá cổ phiếu giảm mạnh và thất nghiệp gia tăng, trong khi ngành du lịch thất thu lớn. Làn sóng nổi dậy trong khu vực đã góp phần làm trầm trọng thêm bức tranh kinh tế toàn cầu vốn ảm đạm.

Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2012 vẫn tối màu

Theo giới phân tích, 2012 sẽ tiếp tục là năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh các giải pháp đã đưa ra cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu là chưa đủ, trong khi các "tiến bộ" đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU mới đây vẫn chỉ nằm "trên giấy" và cần được thảo luận thêm. Thất nghiệp cao ở các nền kinh tế phát triển và lạm phát leo thang ở các nước đang phát triển vẫn chưa thể giải quyết ngay "một sớm một chiều". Kịch bản xấu nhất là Eurozone đổ vỡ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Viễn cảnh u ám của châu Âu khiến Uỷ ban châu Âu (EC), IMF, OECD và Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đều hạ dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone năm 2011 và dự đoán kinh tế khu vực này sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2012. Theo OECD, tăng trưởng của Eurozone sẽ chững lại ở mức 0,3% vào năm 2012 (so với mức dự đoán 2% được đưa ra hồi tháng 5). Còn Ủy viên phụ trách kinh tế và tiền tệ của EU, Olli Rehn, cho rằng tăng trưởng GDP năm 2012 của Eurozone sẽ giảm xuống 0,5%, thấp hơn nhiều so với 1,8% được EC đưa ra hồi mùa Xuân năm 2011.

[Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn đầy chông gai]

OECD cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone và tình trạng thắt chặt tài chính ở Mỹ đang là những nguy cơ lớn đẩy các nền kinh tế hàng đầu vào một cuộc suy thoái sâu rộng. OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 đối với 34 nước thành viên của tổ chức này từ 2,9% trước đó xuống 1,9% và từ 2,3% xuống 1,6% cho năm 20121.

Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" công bố hồi tháng 20/9, IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu năm 2011 và 2012 tăng trưởng thấp hơn dự kiến, với đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ tiếp tục suy yếu. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 và 2012 lần lượt từ 4,3% và 4,5% được đưa ra trước đó, xuống mức chung là 4%. IMF cho rằng dù có thể tăng nhẹ trong năm 2012, kinh tế thế giới có thể lại rơi vào suy thoái nếu kinh tế các nước phương Tây không đi đúng hướng. Định chế toàn cầu này cho rằng sức tiêu dùng giảm ở các nước phát triển, thị trường tài chính thế giới ngày càng biến động do những lo ngại về nợ công ở Mỹ và châu Âu đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Giá dầu mỏ tăng cũng đã gây ra những cú sốc ngoài dự đoán đối với nền kinh tế toàn cầu.

IMF kêu gọi thế giới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng việc củng cố tài chính đủ nhanh để khôi phục lòng tin; thúc đẩy tiêu dùng trong nước và duy trì lãi suất thấp; tái cân bằng các luồng thương mại toàn cầu. Theo IMF, nếu nợ công ở các nền kinh tế yếu kém hơn trong Eurrozone lan rộng đến các nền kinh tế nòng cốt trong khu tực, điều này sẽ làm rối loạn sự ổn định tài chính toàn cầu. Do đó, Eurozone cần có các khuôn khổ quản lý mạnh hơn, thị trường lao động thống nhất và linh hoạt hơn, trong khi các thị trường sản phẩm và dịch vụ phải có khả năng chống đỡ với những khó khăn trong tương lai.

Theo đánh giá của IMF, các nền kinh tế vững hơn ở châu Á đang phát triển đúng hướng, song những nước này cần thúc đẩy tiêu dùng để bù đắp phần thiếu hụt do xuất khẩu sang phương Tây giảm. Đứng đầu khu vực châu Á là Trung Quốc với mức tăng trưởng dự báo đạt 9,5% năm 2011 và 9% năm 2012. Ấn Độ cũng đạt mức tăng trưởng dự kiến 7,8% và 7,5% trong 2 năm này.

Các nước khác ở Mỹ Latinh và Caribe, Trung và Đông Âu, Nga, Trung Đông và Bắc Phi được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất là 5,8% và thấp nhất là 2,7%. IMF cũng cảnh báo nguy cơ lạm phát ở nhiều nước châu Á, nơi một số ngân hàng trung ương sẽ phải siết chặt chính sách tiền tệ hoặc tăng lãi suất trong thời gian tới và khu vực này cần giảm phụ thuộc vào ngoại thương./.

Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục