Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 1 có tín hiệu tích cực

Trong tháng 1, lĩnh vực xuất nhập khẩu, công nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố Hồ Chí Minh.
Người tiêu dùng mua sắm tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Lĩnh vực xuất nhập khẩu, công nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Hoạt động thương mại bán lẻ tập trung về chất lượng và hoạt động tốt, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn hàng hóa dễ dàng và nhanh chóng, đảm bảo cung ứng hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.

Những thông tin này được đưa ra tại kỳ họp Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội và thu chi ngân sách thành phố tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2/2018, tổ chức chiều 1/2.

Trong tháng 1/2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 31,8% cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 62,9% cùng kỳ.

Về thu ngân sách nhà nước, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước trong tháng 1/2018 đã vượt dự kiến ban đầu, đạt 36.541 tỷ đồng, tăng 10,29% cùng kỳ năm 2017. Thu ngân sách địa phương đạt 7.318 tỷ đồng, tăng 1,12% cùng kỳ. Đây là những tín hiệu tích cực cho mục tiêu thu ngân sách năm 2018.

Để khuyến khích và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thành phố đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách có tác động mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ phát triển. Chỉ số phát triển công nghiệp trong tháng 1/2018 ước tăng 15,04% so với cùng kỳ.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo; điện tử; hóa chất-cao su-nhựa; chế biến tinh lương thực, thực phẩm) tăng 19,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành; đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Đặc biệt, ngành dệt may đã ký được nhiều hợp đồng; trong đó hợp đồng xuất đi Hoa Kỳ chiếm đến 70% tổng hợp đồng.

[Thành phố Hồ Chí Minh cần cơ chế đặc thù để phát triển đột phá]

Về các mặt hàng tiêu dùng Tết Nguyên đán 2018, theo ông Phạm Thành Kiên, Sở Công Thương và các ngành đã chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng phục vụ Tết; trong đó giá bán các mặt hàng thiết yếu ngày Tết đã được Sở Công Thương đưa vào trang web của Sở, cập nhật giá vào buổi sáng hàng ngày để người dân quan tâm tham khảo và đối chiếu.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 1/2018, thành phố có 2.817 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 19.580 tỷ đồng, tăng 23% về số lượng doanh nghiệp so với cùng kỳ. Đặc biệt, có 3.640 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 40.567 tỷ đồng và so cùng kỳ tăng gần gấp 3 lần về vốn bổ sung. Trong khi đó, có 41 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt 81,12 triệu USD; 13 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 24,36 triệu USD.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội; trong đó có 21 nội dung phải thực hiện xong từ nay đến cuối tháng 6/2018.

Ngoài ra, Trung ương giao cho thành phố nhiệm vụ rất lớn trong năm 2018 với mức thu ngân sách Nhà nước hơn 376 nghìn tỷ đồng. Điều này đặt ra yêu cầu cho thành phố phải có các giải pháp kinh doanh, sản xuất ngay từ đầu năm để đạt mục tiêu đề ra. Những chỉ số kinh tế tháng 1/2018 là dấu hiệu tích cực để thành phố thực hiện kế hoạch cả năm 2018.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các đơn vị tập trung chăm lo Tết Mậu Tuất 2018 trên tinh thần vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Các ngành theo dõi kịp thời những doanh nghiệp gặp khó khăn, không thể chi trả lương cho công nhân để có hướng xử lý, hỗ trợ kịp thời.

Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu đáp ứng sản xuất, buôn bán phục vụ nhu cầu người dân vào dịp Tết; nâng cao chương trình bình ổn, tăng cường kiểm tra thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá, hàng gian, hàng giả, không đảm bảo chất lượng đưa vào thị trường phục vụ Tết, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt Tết của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục