Tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội tháng Bảy và các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng Tám do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 24/7, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố, ông Trần Anh Tuấn đánh giá, trong tháng Bảy, kinh tế thành phố có nhiều chỉ số tăng trưởng ngày càng tốt hơn với nhiều điểm sáng nổi bật.
Đó là những điểm sáng về chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành công nghiệp, chuyển dịch trong đầu tư, đặc biệt là tổng vốn đầu tư tăng mạnh là minh chứng cho xu hướng các doanh nghiệp đang mở rộng đầu tư phát triển sản xuất.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 7 ước đạt 55.138 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước, tăng 14,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,4%).
Tính chung bảy tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 366.380 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,8%). Nếu loại trừ yếu tố biến đông giá, mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 7,5% so với cùng kỳ, cùng kỳ tăng 8,6%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy tăng 0,12% so với tháng trước, so với tháng 12/2013, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,22% (cùng kỳ tăng 0,96%). Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 2.241 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 17,6%). Tính chung bảy tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16.399 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ.
Theo phân tích của Viện nghiên cứu phát triển thành phố, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tháng Bảy giảm do ảnh hưởng do tình hình Biển Đông, nhưng các thị trường lại đa dạng hơn so với trước, điều này cho thấy dấu hiệu tích cực là các doanh nghiệp đang nỗ lực để tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Bên cạnh đó, chỉ số phát triển công nghiệp bảy tháng đầu năm ước tăng 6,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,3%). Quy mô sản xuất công nghiệp thành phố tiếp tục mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần các ngành khai khoáng. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 7,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.
Về đầu tư trong nước, bảy tháng đầu năm có 13.247 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, có 23.464 doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Tổng số vốn đăng ký và bổ sung là 147.884 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Đầu tư nước ngoài có 210 dự án được cấp mới chứng nhận đăng ký đầu tư, 60 dự án điều chỉnh tăng vốn. Tính chung tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 1,1 tỷ USD tăng 80,2% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách trên địa bàn 7 tháng ước đạt 148.541 tỷ đồng, đạt 65,64% dự toán năm, tăng 14,27%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đạt 1,1 USD, tăng 80,2% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 57,8%). Khách quốc tế đến thành phố trong 7 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 9,1% so cùng kỳ....
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, cho rằng việc chỉ số giá chỉ tăng 0,12% là một trong những mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay trong khi giá tăng xăng dầu tăng; đồng thời các lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất công nghiệp tăng trưởng đã thể hiện nền kinh tế thành phố phát triển ổn định, không quá lệ thuộc vào thị trường nước ngoài để không gây hiện tượng trì trệ trong sản xuất.
Để đạt mức tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới, hoàn thành kế hoạch năm 2014, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đề nghị các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện tốt nhóm giải pháp của thành phố, trong đó cần tăng cường kiểm soát giá cả, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy kích cầu tiêu dùng để phát triển nền kinh tế; đồng thời tăng cường liên kết hàng hoá các địa phương; tăng cường công tác thu ngân sách, tập trung nguồn thu, khai thác và nuôi dưỡng nguồn thu để đảm bảo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu. Trong đó, cần tăng cường các nguồn thu từ đất vì đây là nguồn thu quan trọng cho sự phát triển hạ tầng của thành phố.
Ủy ban Nhân dân thành phố cũng chỉ đạo cần tập trung khai thác tiềm năng lợi thế các cảng trên địa bàn, xây dựng các giải pháp đẩy mạnh phát triển cảng và các dịch vụ cảng đi kèm, tăng cường cải cách hành chính, rút ngắn quá trình thông quan hàng hóa; đẩy mạnh việc ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp ổn định sản xuất./.