Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh khởi sắc, tạo đà tăng trưởng ổn định

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng bức tranh kinh tế của thành phố khởi sắc nhưng cũng cần đánh giá tác động một cách thực chất, khách quan, không nên quá lạc quan.

Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh về đêm. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh về đêm. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngày 6/3, tại phiên họp kinh tế-xã hội tháng Hai và 2 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm tháng 3/2024 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các sở, ngành đánh giá kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều dấu hiệu khởi sắc, hứa hẹn tạo đà cho sự tăng trưởng ổn định các tháng tiếp theo.

Đối với kết quả kinh tế-xã hội 2 tháng đầu năm, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị thành phố, nhất là của chính quyền thành phố.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, để đạt được những kết quả này, trước hết đó là công tác triển khai. Năm nay, công tác triển khai được thực hiện sớm, kịp thời, toàn diện, chặt chẽ hơn, có trọng tâm, chuẩn bị chu đáo hơn trong từng lĩnh vực, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn ở từng cấp. Các nhiệm vụ được phân công rõ ràng, cụ thể hơn.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá công tác tham mưu của Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng chất lượng, kịp thời, đúng với trọng tâm chỉ đạo.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản trên địa bàn có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, doanh thu kinh doanh bất động sản 2 tháng đầu năm 2024 ước tăng 20,1% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng tăng 0,6% so với tháng 1/2024. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại và số doanh nghiệp đăng ký mới đều tăng so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng cả nước, tạo điều kiện thúc đẩy sức mua tiêu dùng nội địa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá ngành dịch vụ và tiêu dùng nội địa đang có xu hướng lấy đà tăng tốc trong khi công nghiệp sức bật còn yếu. Ngành chế biến, chế tạo tăng thấp hơn bình quân chung của toàn ngành công nghiệp (tăng 4,3%). Đáng lưu ý, tăng trưởng thuế thu nhập doanh nghiệp (cả khu vực nhà nước, ngoài nhà nước và FDI) trong 2 tháng qua ước đạt 24,5%. Điều này cho thấy bức tranh chung của nền kinh tế thành phố đang khởi sắc.

Tại phiên họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung triển khai công việc một cách quyết liệt. Trong tháng Ba, phải thực hiện hoàn thành 50 nhiệm vụ đã đề ra của quý 1/2024.

Các sở, ban, ngành phải có kế hoạch trọng tâm, trọng điểm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; đồng thời tiến hành rà soát lại 22 chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI đã đề ra để đánh giá khả năng hoàn thành.

Với lĩnh vực thương mại, dịch vụ và tiêu dùng nội địa, theo ông Phan Văn Mãi, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần thúc đẩy tăng chi tiêu thực tế thông qua các chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi… Đối với kinh tế số, tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối đồng bộ để rút ngắn thời gian thực hiện mọi hoạt động.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng bức tranh kinh tế của thành phố nhìn chung khởi sắc nhưng cũng cần đánh giá tác động một cách thực chất, khách quan, không nên quá lạc quan.

Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần có kế hoạch ứng phó tình huống bất lợi khó lường trong xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, không chùn bước trước khó khăn.

"Trong bối cảnh hiện nay, cần giữ vững ổn định tư tưởng, nâng cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải gương mẫu, quyết liệt hành động trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ," Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục