Kinh tế Tây Ban Nha có nguy cơ suy giảm hơn 13% do COVID-19

Nếu lệnh phong tỏa kết thúc vào ngày 9/5 tới, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm ở mức 6,6%-8,7%. Tuy nhiên, con số này có thể lên tới 13,6% nếu giai đoạn này kéo dài thêm.
Kinh tế Tây Ban Nha có nguy cơ suy giảm hơn 13% do COVID-19 ảnh 1Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 14/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 20/4, Ngân hàng Tây Ban Nha (ngân hàng trung ương) cảnh báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm ở mức 6,6%-13,6% do chịu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong tuyên bố, ngân hàng trên nhận định con số dự báo trên là cao chưa từng có, kể cả khi chúng còn phụ thuộc vào lệnh phong tỏa kéo dài bao lâu.

Ngày 14/3 vừa qua, Tây Ban Nha đã áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

[Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Tây Ban Nha vượt ngưỡng 200.000]

Đến nay, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 20.800 người tại Tây Ban Nha, cao thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Italy.

Ngân hàng Tây Ban Nha cho biết thêm các con số dự báo trên chỉ mang tính tạm thời và nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh trong những tháng tới, tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Nếu lệnh phong tỏa kéo dài trong 8 tuần và kết thúc vào ngày 9/5 tới, theo đúng như sắc lệnh hiện nay của chính phủ, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm ở mức 6,6%-8,7%.

Tuy nhiên, con số này có thể lên tới 13,6% nếu giai đoạn này kéo dài đến 12 tuần, và hoạt động kinh tế không thể trở lại bình thường cho đến cuối năm nay, đặc biệt là ngành du lịch mũi nhọn.

Các yếu tố chính này nhiều khả năng sẽ gây nên tình trạng suy thoái do hoạt động kinh tế bị gián đoạn, thất nghiệp tăng mạnh (3,9 triệu người lao động tạm thời mất việc) khiến nhu cầu nội địa suy giảm.

Bên cạnh đó, sự sụt giảm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ tại phần còn lại của thế giới, lượng du khách giảm mạnh cũng sẽ tác động đến hai trụ cột của nền kinh tế Tây Ban Nha.

Theo thống kê, năm ngoái, nước này đón 84 triệu lượt du khách, đứng thứ hai thế giới sau Pháp. Ngành du lịch chiếm 12% tổng sản lượng kinh tế của Tây Ban Nha.

Ngân hàng Tây Ban Nha đã không đưa ra dự báo cụ thể cho năm sau, nhưng hy vọng đến năm 2021, phần lớn nền kinh tế nước này có thể phục hồi, dù không phải mọi hoạt động và việc làm sẽ trở về như trước khi dịch bệnh bùng phát.

Trong bối cảnh nhiều nước châu Âu chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, Chính phủ Tây Ban Nha đã lên kế hoạch đề xuất với các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) xây dựng một quỹ phục hồi trị giá 1.500 tỷ euro (tương đương 1.630 tỷ USD).

Khoản tiền này được tài trợ thông qua các khoản nợ vĩnh viễn để hỗ trợ cho các quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ đưa ra đề xuất này với các nhà lãnh đạo châu Âu khác trong Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của EU về những tác động của đại dịch COVID-19 vào ngày 23/4 tới.

Đây được xem là nỗ lực của Madrid đi đầu các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp “có thể chấp nhận được”, sau khi Hà Lan và Đức bác bỏ việc phát hành trái phiếu chung (Eurobond).

Quỹ phục hồi do Tây Ban Nha đề xuất sẽ được tài trợ bằng khoản nợ vĩnh viễn được hỗ trợ từ ngân sách EU và các quốc gia sẽ coi đây là một hình thức chuyển khoản, thay vì là nợ.

Ủy ban châu Âu sẽ đóng vai trò là bên đi vay chính trong kế hoạch sử dụng ngân sách EU như là phương sách cuối cùng để thúc đẩy khoản nợ mới.

Đề xuất của Tây Ban Nha phù hợp với đề xuất của Ủy viên Ngân sách của EU, Julian Hahn.

Theo đề xuất trên, việc giải ngân có thể được triển khai từ ngày 1/1/2021 và được thực hiện trong hai đến ba năm.

Cùng ngày, hãng hàng không Na Uy Norwegian Air thông báo 4 chi nhánh của hãng tại Thụy Điển và Đan Mạch đã đệ đơn xin phá sản, đồng thời tuyên bố chấm dứt hợp đồng lao động tại một số nước châu Âu và Mỹ, khiến 4.700 nhân viên có nguy cơ mất việc làm. Khoảng 700 phi công và 1.300 nhân viên khác tại Na Uy, Pháp và Italy đều không bị ảnh hưởng.

Norwegian Air đang tìm cách chuyển đổi nợ thành cổ phần, quyên góp tiền từ các cổ đông và các bên bảo lãnh của nhà nước để tồn tại qua đại dịch.

Giám đốc điều hành Norwegian Air Jacob Schram khẳng định bất chấp các biện pháp vừa qua, cộng thêm việc công ty thiếu hỗ trợ tài chính trầm trọng từ Chính phủ Thụy Điển và Đan Mạch, hãng buộc phải đưa ra quyết định trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục