Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh ban hành theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 13/7/2020 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất mục tiêu cụ thể đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP thành phố.
Đây là thông tin tại tọa đàm "Kinh tế số: Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh" do Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HIDS) phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức ngày 25/3.
Đồng thời, Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên chuyển đổi số 10 ngành, gồm: y tế; giáo dục; giao thông vận tải; tài chính-ngân hàng; du lịch; nông nghiệp; logistics; môi trường; năng lượng và đào tạo nhân lực.
Còn kế hoạch số 593/KH-UBND ngày 28/02/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình “Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh” và đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh” cũng đặt ra mục tiêu kinh tế số đóng góp 15% GRDP thành phố trong năm 2022.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cũng như tình hình chung của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng do sự bùng phát đại dịch COVID-19.
[VBF: Cần những chính sách tối ưu để thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam]
Đến nay, dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, tổng thể kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức không nhỏ.
Tuy vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng chủ đề năm 2022 là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp."
Với chủ đề này, Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định một trong các nhiệm vụ quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế là thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số.
Đồng thời, xây dựng xã hội số, xây dựng chính quyền số, thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào triển khai đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tại thành phố.
Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng dân số sử dụng điện thoại thông minh cao nhất; hạ tầng mạng cáp quang, Internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn.
Trong khi đó, các mô hình kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhận, hội họp trực tuyến được nhiều người dùng và doanh nghiệp áp dụng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thiết yếu của thị trường trong lĩnh vực bán lẻ hàng thực phẩm, dịch vụ internet, viễn thông nên mốt số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng dương.
Trước bối cảnh này, Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hệ sinh thái kinh tế số, với các mối quan hệ chặt chẽ, gồm: dữ liệu; vốn; con người; khu vực công; khu vực tư; văn hóa số...
Theo một số chuyên gia đề xuất, chính sách phát triển kinh tế số trong thời gian tới ở đa dạng lĩnh vực như đối với lĩnh vực hạ tầng số, Thành phố Hồ Chí Minh nên bổ sung và hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung và hệ dữ liệu chuyên ngành trong đề án "Đô thị thông minh của thành phố."
Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy xây dựng cơ chế bảo mật an toàn thông tin để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng công nghệ số; chú trọng bảo vệ an toàn thông tin và dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng, khách hàng; bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Ở lĩnh vực kinh doanh số, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện khảo sát nhu cầu và xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số.
Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi số, phát triển kinh doanh số, chuyển đổi mô hình kinh doanh trên nền tảng số thông qua việc cung cấp thông tin, đào tạo lao động.
Đồng thời, các chính sách hỗ trợ liên quan về đầu tư và tiếp cận nguồn tài chính qua quỹ hỗ trợ như Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, chương trình kích cầu...
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, sở, ngành thành phố cần nâng cao năng lực đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ số về hạ tầng số, tài nguyên dữ liệu, năng lực tính toán, năng lực thử nghiệm phát triển sản phẩm và kết nối thị trường...
Hơn thế nữa, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nguồn lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử; triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp sản xuất... từ đó thiết lập mạng lưới doanh nghiệp công nghệ số, kinh doanh số trên địa bàn thành phố.
Đồng quan điểm, đại diện nhiều sở, ngành và chuyên gia tham dự tọa đàm cũng cho hay, chương trình "Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh" phải gắn với Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo Quyết định số 12/2021/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 nêu rõ chú trọng mục tiêu chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ số hóa hoạt động kinh doanh, quản trị, công nghệ, sản xuất.../.