"Thương mại điện tử và cấp độ cao hơn là số hóa các hoạt động xuất nhập khẩu là cuộc cách mạng giúp giải quyết được vấn đề: 'Không ai bị bỏ lại phía sau' trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới."
Đây là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại diễn đàn "Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA," do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và VCCI tổ chức ngày 28/7, tại Hà Nội.
[Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 8/8]
Theo ông Vũ Tiến Lộc, thương mại điện tử đã hiện thực hóa một nền thương mại không biên giới trên cả hai góc độ không gian và thời gian, theo đó cả người sản xuất và tiêu dùng có thể "cưỡi mây về gió".
Cụ thể hơn, một nông dân trồng càphê ở Đăk Lăk chỉ cần nhấp chuột có thể bán hàng cho một cửa hàng ở Mỹ, thậm chí một thợ may ở Việt Nam có thể may đo cho một gia đình ở Paris (Pháp).
Vì vậy, với sự thay đổi và hỗ trợ của kinh tế số, doanh nghiệp nhỏ sẽ song hành và trong tương lai sẽ thay thế dần cho doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất hàng loạt trên thị trường thế giới.
"Tôi muốn mượn mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 45 năm trước cho hành trình chuyển đối số ở Việt Nam hôm nay là: 'thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa.' Trong kinh tế số, 'thần tốc' và 'táo bạo' sẽ là từ khoá của thành công," Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói.
Theo các chuyên gia, với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng nước ngoài.
Hơn nữa, nhờ công nghệ dữ liệu lớn, doanh nghiệp có thể dễ dàng phân tích chính xác hành vi của người tiêu dùng ở mọi thị trường, chăm sóc khách hàng, tiếp thị đúng đối tượng với chi phí thấp…
Câu chuyện thành công khi xuất khẩu trực tuyến (B2B) trên nền tảng Alibaba hay bán lẻ trực tuyến qua biên giới (B2C) trên nền tảng Amazon là bài học chung cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Từ những cơ hội này, ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp cần khai thác nền tảng số một cách chủ động, trong đó chú trọng vào việc phát triển website, mạng xã hội… nhằm tương tác với khách hàng, qua đó tiếp cận và phát triển thị trường.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng lưu ý việc đẩy mạnh chuyển đổi số cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19 đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
“Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây,” ông Hưng nói.
Ông Hưng khẳng định Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn như hiện nay đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
- Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói về hoạt động thương mại trong bối cảnh COVID-19: