Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế-xã hội quý 1 tiếp tục xu hướng tích cực với kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo đồng thời các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả khả quan.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi tiến sỹ Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Khởi đầu thuận lợi
- Xin bà cho biết một số điểm nhấn tích cực trong “bức tranh” kinh tế nước ta tại ba tháng đầu năm?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương: Những tháng đầu năm, kinh tế trong nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng, từ đó tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo. Cụ thể, tốc độ tăng GDP quý 1 đạt 5,66% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khu vực nông nghiệp, tiến độ thu hoạch lúa Đông Xuân nhanh hơn năm trước đồng thời sản lượng một số loại hình cây lâu năm và sản phẩm chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản đều ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ.
Tổng cục Thống kê: Xu hướng kinh tế sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong quý 1
Diễn biến kinh tế-xã hội của hai tháng ghi nhận những điểm sáng và tích cực trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, từ đó tạo tiền đề phát triển trong quý 1.
Đáng chú ý trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tỷ lệ tồn kho đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (bình quân quý 1/2024 là 68,7% và quý 1/2023 là 81,1%). Đây là tín hiệu tốt của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục sôi động và duy trì mức tăng cao.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2%, vận chuyển hành khách tăng 8,5% và luân chuyển tăng 10,7%, vận chuyển hàng hóa tăng 13% và luân chuyển tăng 11,2%. Về thương mại, cả nước xuất siêu 8,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,93 tỷ USD) với các mặt hàng chủ lực là điện thoại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; thủy sản và rau quả…
Trong lĩnh vực du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao với hơn 4,6 triệu lượt người. Con số này tăng tới 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19). Kết quả trên có được nhờ việc triển khai hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu. Điều này đang cho thấy ngành du lịch đang ngày càng phục hồi mạnh mẽ.
Trên bình diện đó, Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp. Tính đến ngày 20/3, cả nước có 644 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 4,77 tỷ USD. Cùng với đó, số vốn thực hiện đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với 4,63 tỷ USD và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ở thị trường nội địa, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 2,81%. Với điều kiện đó, số lao động, việc làm trong quý đã quay trở lại hướng phát triển bình thường như những năm trước dịch bệnh đồng thời công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng so với 2023
- Xin bà chia sẻ một số đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong những chặng tiếp theo của năm?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương: Đến thời điểm tháng Ba, hầu hết các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024.
Cụ thể, Liên hợp quốc (UN) nhận định trong bối cảnh rủi ro và bất ổn kéo dài, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chậm lại từ mức 2,7%/năm 2023 xuống 2,4%/năm 2024 và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng quan điểm với mức tăng trưởng này. Bên cạnh đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định GDP toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 2,9%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,1% của năm 2023.
Tương tự, Liên minh châu Âu (EU) dự báo tăng trưởng toàn cầu (không bao gồm EU) năm 2024 đạt 3,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2023. Riêng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 bằng với năm 2023, ở mức 3,1%. Về khu vực, báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo tăng trưởng năm 2024 của Philipines 6,3%, Indonesia 5,2%, Malaysia 5,0%, Thái Lan 3,3% và Singapore 2,6%...
Về tình hình chung, báo cáo Thước đo Thương mại Hàng hóa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ghi nhận thương mại hàng hóa toàn cầu có mức tăng khiêm tốn trong quý 1. Chỉ số thước đo đạt 100,6 cao hơn một chút so với giá trị cơ bản (là 100). Điều này cho thấy thương mại hàng hóa có khả năng dần phục hồi trong những tháng đầu năm 2024, tuy nhiên căng thẳng địa chính trị tiếp tục gây ra rủi ro đối với triển vọng trong ngắn hạn.
Đối với Việt Nam, các tổ chức quốc tế đều dự báo năm 2024 sẽ tăng trưởng so với năm 2023.
Cụ thể, WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,5% trong năm 2024, cao hơn mức dự báo 4,7% của năm 2023. Cùng với đó, UN và AMRO nhận định tăng trưởng năm nay đạt 6%, cao hơn mức dự báo 4,7% và 5,1% của năm 2023.
Những đánh giá này dựa trên những căn cứ về tiêu dùng cá nhân dự kiến sẽ duy trì ở mức ổn định nhờ áp lực lạm phát giảm dần và thị trường lao động ổn định. Việc mở cửa trở lại và lượng khách quốc tế phục hồi giúp tăng cường doanh thu từ du lịch. Điều này sẽ góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ. Hơn nữa, Việt Nam hiện đang nỗ lực thực hiện các chính sách đổi mới sáng tạo mang tính chiến lược, thúc đẩy đa dạng hóa xuất khẩu và tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam gần đây, WB nhận định sản xuất công nghiệp của Việt Nam tiếp tục cải thiện hơn. Xuất-nhập khẩu hàng hóa duy trì đà phục hồi do nhu cầu bên ngoài được cải thiện. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn ổn định cùng với giá trị vốn giải ngân cao hơn so với một năm trước.
Tuy nhiên, tăng trưởng tiêu dùng có thể chưa đạt kỳ vọng do niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn yếu. Hơn nữa, sự gia tăng của chi phí logistics quốc tế đối với thương mại hàng hóa do xung đột Trung Đông, mặc dù mang tính thời điểm tạm thời song có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam và sự phục hồi của nền kinh tế. Mặt khác, chênh lệch giữa lãi suất toàn cầu và trong nước có thể gây áp lực lên thị trường ngoại hối.
Sáu giải pháp căn cơ
- Trong bối cảnh đó, theo bà cần phải thực hiện những giải pháp gì để tiếp tục phát huy đà phục hồi nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế trong nước từ nay đến cuối năm?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương: Để thực hiện thành công phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp.
Một là kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Các ngành, các cấp liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng. Bên cạnh đó, các cấp quản lý tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... theo mức độ và thời điểm phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, nhằm hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Hai là đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Các Chương trình xúc tiến thương mại cần thực hiện có hiệu quả, như thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.
Ba là tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, chú trọng các thị trường lớn, tiềm năng và phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Các hoạt động xúc tiến thương mại cần phải được triển khai hiệu quả, bao gồm kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản. Các cấp quản lý có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành hải quan tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa.
Bốn là Bộ, ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Các công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm cần tập trung thúc đẩy tiến độ thi công, trên cơ sở phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Năm là tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, có phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành, nghề mới (như chip bán dẫn), đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Sáu là nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp. Cụ thể là phát huy vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực cần được siết chặt, trong đó thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn và công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng. Đặc biệt cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi Số.
- Xin cảm ơn bà!