Kinh tế Quảng Ninh quý 1 tiếp tục khẳng định đà phát triển

Quảng Ninh tiếp tục là địa phương nằm trong top đầu cả nước và là điểm sáng của phía Bắc về phát triển kinh tế khi đạt tăng trưởng GRDP quý 1 ước khoảng 8,06%, thu ngân sách trên 14.870 tỷ đồng.
Sản xuất đông lạnh tôm theo quy chuẩn xuất khẩu nước ngoài tại Công ty cổ phần Thủy sản BNA huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Năm 2023, với tăng trưởng GRDP quý 1 ước đạt khoảng 8,06%, thu ngân sách ước đạt trên 14.870 tỷ đồng, Quảng Ninh tiếp tục nằm trong top đầu cả nước và là điểm sáng của phía Bắc, khẳng định đà phát triển của một địa phương năng động, sáng tạo, đột phá.

Quảng Ninh thêm lần nữa ghi dấu ấn đậm nét khi trở thành địa phương duy nhất trong nước đến nay 6 năm liên tiếp (từ 2017-2022) giữ vị trí quán quân và 10 năm liền (2013-2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Thành tích đó cho thấy những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của tỉnh trong việc xây dựng thương hiệu “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công.”

Giữa tháng 2/2023, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án lớn gồm dự án sản xuất các sản phẩm an toàn cho ôtô và xe có động cơ khác để xuất khẩu, vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Autoliv Việt Nam; Dự án sản xuất khóa chốt và dập định hình Boltun Việt Nam và Dự án sản xuất các linh kiện phụ trợ cho ngành công nghiệp ôtô, vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng của Tập đoàn QST International Corporation và Boltun Corporation.

Cuối tháng 3/2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án FDI tại Thị xã Quảng Yên: Dự án sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, vốn đầu tư 55 triệu USD của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xiamen Sunrise Group; Dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam 2 tại Khu công nghiệp Đông Mai, vốn đầu tư 15 triệu USD của Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Lioncore Việt Nam; Dự án sản xuất dây đai an toàn ôtô tại Khu Công nghiệp Sông Khoai, vốn đầu tư trên 10 triệu USD của Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsong Vina.

[Đặt mục tiêu tăng trưởng 11%, Quảng Ninh tăng tốc ngay đầu năm]

Từ đầu năm 2023 đến nay, Quảng Ninh đã đón trên 20 nhà đầu tư đến nghiên cứu, trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh. Trong đó Tập đoàn Tenma (Nhật Bản) trao đổi về kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy ép khuôn nhựa máy in trên diện tích 18ha, vốn đầu tư 150 triệu USD; Công ty Castem (Nhật Bản) trao đổi về kế hoạch đầu tư nhà máy đúc kim loại trên diện tích 2ha, vốn đầu tư 14 triệu USD.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, hết quý 1/2023 tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án, tổng vốn đăng ký 8.038 tỷ đồng, tăng 32,3% cùng kỳ năm 2022; cấp mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 11 dự án vốn trong nước, tổng vốn đăng ký 2.712 tỷ đồng; tổng vốn thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt 10.750 tỷ đồng, trong đó thu hút vào các Khu công nghiệp, Khu kinh tế khoảng 493,8 triệu USD, đạt 41,3% kế hoạch năm 2023 đề ra.

Để xây dựng và duy trì thương hiệu về năng lực cạnh tranh, trở thành một trong những điểm sáng của cả nước trong thu hút đầu tư, Quảng Ninh đã bắt đầu từ xây dựng một nền móng vững chắc với hàng loạt cải cách mang tính tiên phong, đột phá với quan điểm xuyên suốt: “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên. Tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc và để người dân, doanh nghiệp thực sự là chủ thể trong công tác cải cách, đổi mới.”

Quảng Ninh hiện là địa phương duy nhất trong nước đưa mục tiêu "Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI" vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Cùng với đó, tinh thần “5 thật” (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật) và “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung) được tỉnh đưa ra như một lời khẳng định mạnh mẽ cho quyết tâm chính trị trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.

Năm 2022, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, song Quảng Ninh đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút nhiều vốn FDI (sau Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương).

GRDP của tỉnh năm 2022 đạt 10,28%, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước và là năm thứ 7 liên tiếp (2016-2022) đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số; quy mô GRDP của tỉnh đạt gần 270.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục