Nội các Nhật Bản ngày 8/9 cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 2 năm nay đã giảm mạnh hơn dự báo, khiến chính phủ phải cân nhắc hoãn kế hoạch tăng thuế và đặt Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) trước sức ép phải hành động.
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 vừa qua sụt giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, hơn nhiều so với ước tính 6,8% trước đó.
Đây là con số tệ nhất về tăng trưởng kinh tế Nhật Bản kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Như vậy, so với quý trước, tốc độ sụt giảm GDP của quý này là 1,8%, mức giảm mạnh nhất kể từ sau thảm họa kép động đất-sóng thần hồi năm 2011.
Trước đó, đà sụt giảm kinh tế Nhật Bản đã có phần chững lại nhờ chính sách chấn hưng kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe, được gọi là Abenomics, giúp giảm giá đồng yen, tạo điều kiện cho xuất khẩu và tăng hoạt động của thị trường chứng khoán trong năm 2013.
Chiến dịch nới lỏng tiền tệ của BOJ là một hòn đá tảng của chương trình này.
Tháng Tư vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã quyết định tăng thuế tiêu dùng lần đầu tiên sau 17 năm. Nhưng chính điều đó đã khiến các công ty và hộ gia đình giảm bớt chi tiêu.
Tiêu dùng cá nhân giảm 5,1%, mức giảm mạnh nhất tính từ khi có các số liệu thống kê năm 1994. Trong khi đó, vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng giảm 5,1% so với quý trước.
Theo các chuyên gia, những số liệu mới nhất nói trên có thể buộc Tokyo phải hoãn kế hoạch tăng thuế thu nhập thêm 2% (lên mức 10%), dự kiến áp dụng từ năm 2015 để tìm kiếm nguồn ngân sách bù vào con số nợ công đang ngày một lớn. Ngoài ra, tình hình trên cũng khiến BOJ phải tính đến việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết chính phủ sẽ "theo dõi cẩn thận" xu hướng tiêu dùng thực tế. Thủ tướng Abe cam kết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có áp dụng tăng thuế hay không trước cuối năm nay./.