Ngày 8/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda nhận định nền kinh tế nước này được kỳ vọng tăng trưởng ở mức độ vừa phải bất chấp nền kinh tế toàn cầu đi xuống, gây tác động đến xuất khẩu và sản xuất trong nước.
Phát biểu tại cuộc họp với các lãnh đạo ngân hàng trung ương chi nhánh khu vực, ông Kuroda nhận định vào thời điểm hiện nay, nền kinh tế Nhật Bản dường như đang chịu ảnh hưởng bởi sự tụt dốc của kinh tế toàn cầu, song tăng trưởng kinh tế nước này vẫn tiếp tục đi lên ở mức độ vừa phải.
[Nhật Bản thiếu lao động trầm trọng nhất trong gần nửa thế kỷ]
Cuộc gặp trên diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mới đây công bố khảo sát Tankan hằng quý trong tháng Ba về niềm tin kinh doanh trong nước.
Chỉ số này niềm tin của các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản ở mức 12 điểm, giảm 7 điểm so với tháng 12, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 12/2012 khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền.
Khảo sát này đồng thời phản ánh mối quan ngại về sự tăng trưởng chững lại của Trung Quốc và một số nền kinh tế khác, vốn gây tác động khiến nhu cầu nội địa tại Nhật Bản giảm sút.
Ông Kuroda cho biết thêm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ đưa ra những điều chỉnh trong chính sách nếu điều này cần thiết để duy trì thực hiện mục tiêu lạm phát 2%, đồng thời kiểm soát các nguy cơ.
Cùng ngày, trong báo cáo sơ bộ, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tháng Hai vừa qua đã tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2018, đánh dấu mức thặng dư tháng thứ 56 liên tiếp của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, thặng dư thương mại của nước này trong tháng 2 đạt 2.600 tỷ yen (tương đương 24 tỷ USD).
Theo lý giải của bộ trên, do giá dầu thô trên thế giới thời gian qua giảm nên kim ngạch nhập khẩu dầu thô và các chế phẩm từ dầu vào Nhật Bản cũng giảm mạnh.
Thêm vào đó, sau một thời gian giảm sút hoạt động trong những tháng cuối năm âm lịch, các doanh nghiệp Trung Quốc đã hoạt động trở lại sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán khiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản đã tăng mạnh trở lại.
Từ hai lý do chính này, thặng dư thương mại hàng hóa của Nhật Bản đã đạt mức 489,2 tỷ yen (4,4 tỷ USD).
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm nhẹ 1,9% xuống 6.300 tỷ yen (56 tỷ USD), trong khi nhập khẩu giảm 6,6% xuống còn 5.800 tỷ yen (52 tỷ USD).
Ngoài ra, lợi nhuận từ các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài tăng cao cũng là một nguyên nhân đẩy thặng dư tài khoản của nền kinh tế Nhật Bản tăng lên.
Thương mại dịch vụ, bao gồm vận chuyển hàng hóa và vận chuyển hành khách, đã đạt mức thặng dư 236,6 tỷ yen.
Trong số đó, thặng dư du lịch tăng 6,6% lên 227,4 tỷ yen (2 tỷ USD) khi số lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản trong tháng 2/2019 đạt 2,6 triệu lượt khách, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018./.