Kinh tế Nga có thể bị giáng một đòn mạnh khi không có SWIFT

Giới chức Nga cho biết nước này có thể chuyển hướng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nếu hoạt động xuất khẩu sang phương Tây bị gián đoạn, tuy nhiên khí đốt thì không thể nào chuyển hướng được như vậy.
Một cánh đồng lúa mì tại Karpenkovo, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới giao dịch và các nhà phân tích nhận định hoạt động xuất khẩu mọi loại hàng hóa của Nga, từ dầu đến kim loại và ngũ cốc, sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt mới của phương Tây, từ đó giáng một “đòn” vào nền kinh tế Nga và làm tổn thương cả phương Tây do giá cả và lạm phát tăng mạnh.

Mỹ và các nước đồng minh ngày 27/2 đã nhất trí chặn một số ngân hàng nhất định của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Dù nhiều ngân hàng Nga, trong đó có Gazprombank, ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán đối với các giao dịch dầu khí lớn, đã thoát được lệnh trừng phạt hoàn toàn, nhưng giới đầu tư và chuyên gia cho rằng thời gian cần thiết để chuyển sang các hệ thống mới sẽ gây ra chấn động lớn cho hoạt động thương mại năng lượng này.

[Các nước phương Tây nhất trí đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT]

Biện pháp trên sẽ được thực thi trong những ngày tới, và nhiều quan chức cho biết việc miễn áp dụng đối với lĩnh vực năng lượng đang được xem xét.

Tuy nhiên, ông Amrita Sen, nhà đồng sáng lập tổ chức Energy Aspects, cho rằng SWIFT vẫn có thể gây gián đoạn lớn cho các dòng thương mại năng lượng trong ngắn hạn, ít nhất là cho đến khi người mua chuyển sang các hệ thống thay thế như Telex.

Trong cuộc khảo sát mới đây của hãng tin Reuters, có ít nhất 10 nhà giao dịch dầu và hàng hóa cho biết hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Nga sang phương Tây sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng hoặc bị ngừng hoàn toàn trong vài ngày tới, thậm chí vài tuần tới, cho đến khi có những miễn trừ được đưa ra.

Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu năng lượng và hàng hóa của Nga sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, có thể vẫn sẽ được duy trì.

Cả Trung Quốc và Nga đều đã phát triển các hệ thống thay thế SWIFT. Trung Quốc vẫn khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng hệ thống Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS do nước này xây dựng, trong khi Nga đã thiết lập hệ thống nhắn tin liên ngân hàng của riêng mình là SPFS.

Giới chức Nga cho biết nước này có thể chuyển hướng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nếu hoạt động xuất khẩu sang phương Tây bị gián đoạn. Nhưng giới phân tích cho rằng khí đốt không thể nào được chuyển hướng như vậy, trong khi khả năng nhập khẩu thêm dầu của Trung Quốc là rất hạn chế.

Nga sản xuất 10% lượng dầu toàn cầu và cung cấp 40% lượng khí đốt cho châu Âu. Nước này cũng là nhà xuất khẩu phân bón và ngũ cốc lớn nhất thế giới, nhà sản xuất nickel và palladium hàng đầu, nước xuất khẩu thép và than đá lớn thứ ba và nước xuất khẩu gỗ lớn thứ năm thế giới.

Nỗ lực loại nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới và cũng là nhà cung cấp 1/6 tổng lượng hàng hóa toàn cầu ra khỏi hệ thống SWIFT là một động thái chưa từng có tiền lệ trong thời kỳ toàn cầu hóa.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh phương Tây đang “vật lộn” với giá năng lượng cao kỷ lục trước sự tăng mạnh của lạm phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục