Kinh tế Nga bắt đầu “ngấm” đòn trừng phạt từ phương Tây

Các biện pháp trừng phạt của châu Âu và Mỹ nhằm cấm các công ty Nga nhập khẩu phụ tùng thay thế và hưởng lợi từ sự đóng góp nhỏ nhất của phương Tây.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Saint Petersburg của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đối với các doanh nhân châu Âu ở Nga, các lệnh trừng phạt liên tiếp về kinh tế của phương Tây đối với Nga là một tình thế tiến thoái lưỡng nan, còn với các các công ty Nga hoạt động quốc tế, logistics đã trở thành một vấn đề gây đau đầu.

“Tôi cố gắng giữ bình tĩnh. Nhưng khi ở lại Nga, tôi có cảm giác như đầu đang bị thiêu cháy.” Đó là chia sẻ của một doanh nhân châu Âu, người đứng đầu một chi nhánh làm ăn ở Nga, đã làm việc ở Moskva trong hai thập kỷ với các đối tác Nga và đang rơi vào thảm họa kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Giống như đại đa số các nhà đầu tư châu Âu, nhóm của doanh nhân này đang gặp rắc rối vì bị đóng băng các khoản đầu tư mới. Do các lệnh trừng phạt ngân hàng, đóng băng dòng chảy tài chính với phương Tây, ngăn cản nguồn cung và làm chậm lại các hoạt động, doanh nhân này đã phải giảm bớt các chi nhánh của mình.

Làm đảo lộn những điều bình thường nhất

Vấn đề hiện nay là mọi hoạt động dường như bị đóng băng vì việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Kết quả là một bộ phận lớn của kinh tế Nga đã bị tê liệt. Việc phương Tây chặn nhiều ngân hàng Nga tham gia hệ thống SWIFT đã ảnh hưởng đến những nhà đầu tư khi họ hoạt động như một bộ phận tích hợp của hệ thống tài chính toàn cầu.

Các biện pháp đáp trả của Nga, nhằm hạn chế việc chi trả và chuyển ngoại tệ tương tự đã làm gián đoạn dòng chảy giữa nhà cung cấp và người mua. Tại Moskva, một số người đã quay lại với việc đổi tiền từ xa.

Người Nga yêu cầu những người liên hệ ở châu Âu thanh toán hóa đơn của họ bằng đồng euro ngay tại chỗ và với số tiền tương đương, họ chuyển ruble sang một tài khoản khác ở Nga. Trong khi đó, một số người đã phải ngừng thanh toán. Điều này đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.

[Xung đột Nga-Ukraine khiến nền kinh tế của cả hai nước suy giảm mạnh]

Đối mặt với nguy cơ Internet bị ngừng hoạt động ở Nga, các chuyên gia công nghệ thông tin, chủ yếu là lao động tự do, có xu hướng muốn ra nước ngoài. Những người giàu thì đến Dubai.

Các nước Baltic hoặc Caucasus dành cho những người khác. Nga đã chặn Facebook, quyền truy cập vào Twitter bị hạn chế rất nhiều. Instagram, mạng xã hội vốn được người Nga yêu thích, cũng bị đình chỉ tương tự.

“Một quyết định chống lại sự phát triển kinh tế,” một lao động tự do khẳng định. Người đàn ông này nhắc lại rằng những mạng xã hội này, được hơn 60 triệu người Nga (gần một nửa dân số) sử dụng cho đến thời điểm đó, là sự chuyển tiếp quan trọng cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, một mắt xích đã trở nên yếu hơn bao giờ hết trong kinh tế Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc trong cuộc tiếp sức

"Các lệnh trừng phạt đang phả hơi nóng vào chúng tôi," một doanh nhân than thở. Là một trong những người Nga thuộc tầng lớp thượng lưu mới, người theo chủ nghĩa tự do và cởi mở với người nước ngoài, doanh nhân này không ủng hộ các hoạt động của Nga tại Ukraine.

Hoạt động trong các lĩnh vực không chính thức bị cấm vận nhưng họ đã được thông báo từ các nhà cung cấp phương Tây của mình rằng việc giao hàng đột ngột bị dừng lại, vì lý do chính trị hơn là kinh tế.

“Từ những tờ giấy A4 đơn giản đến những thiết bị phức tạp, tình trạng khan hiếm đang bắt đầu xảy ra. Người châu Âu đã làm điều đó theo ý muốn tự do của họ hay dưới áp lực chính trị-truyền thông?” - một doanh nhân khác khác đặt câu hỏi.

Kết quả là lạm phát đang gia tăng, ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận dân cư. Chẳng hạn, giấy văn phòng đã biến mất khỏi một số kệ hàng, khiến giá tăng mạnh trong những ngày gần đây. Một số hoạt động sản xuất cũng bị đình chỉ chính thức vì thiếu natri clorat, một nguyên liệu được sử dụng để tẩy trắng giấy và phần lớn là nhập khẩu.

Những việc này đã trở thành vấn đề đau đầu của nhiều nhà máy và cửa hàng. “Một lần nữa, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc sẽ là những người chiến thắng lớn trong cuộc khủng hoảng này!” một doanh nhân nhận định.

Giống như những người khác, ông bắt đầu thay thế các nguồn cung cấp châu Âu của mình bằng các nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. “Điều này sẽ giúp duy trì sản xuất và bán hàng. Tuy nhiên có một thực tế là về chất lượng, chúng ta sẽ tụt dốc,” doanh nhân này lo lắng bày tỏ.

“Người Nga đã hội nhập vào các mô hình quốc tế. Bây giờ họ có nguy cơ tự đóng cửa mà không cần lo lắng về các tiêu chuẩn,” một nhà đầu tư châu Âu trong ngành công nghiệp hàng không cũng lấy làm tiếc.

Các biện pháp trừng phạt của châu Âu và Mỹ nhằm cấm các công ty Nga nhập khẩu phụ tùng thay thế và hưởng lợi từ sự đóng góp nhỏ nhất của phương Tây. Dường như kinh tế Nga đang rơi vào một kịch bản tương tự của Iran./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục