Còn nhiều trở ngại

Kinh tế Mỹ vẫn nhiều trở ngại sau "vách đá tài chính"

Nước Mỹ tránh được cuộc suy thoái mới như đã dự báo, song nhiều nhà phân tích cho rằng kinh tế Mỹ vẫn còn đối mặt rất nhiều trở ngại.
Trong những ngày cuối năm 2012, chính trường Mỹ nóng bỏng tranh luận về các giải pháp nhằm tránh kịch bản “vách đá tài chính” mà kèm theo đó là nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái trở lại.

Tuy nhiên, trong thời khắc chuyển giao sang Năm Mới 2013, trở ngại ngáng đường kinh tế Mỹ đã được dỡ bỏ, khi hai đảng trong Quốc hội đã đạt được thỏa thuận mang tính tạm thời, kéo dài thời gian cho việc đạt được một thỏa thuận lớn hơn.

Nhưng dù thỏa thuận tại Quốc hội đã bảo vệ nước Mỹ trước những hiểm nguy cận kề, nhiều vấn đề như trần nợ công và thâm hụt ngân sách vẫn còn bị gác lại, trong khi tăng trưởng kinh tế cũng được dự báo sẽ chưa bứt phá.

[Mỹ trước cơ hội cuối cùng tránh "vách đá tài chính"]


Mối nguy “vách đá tài chính”

"Vách đá tài chính" là chương trình tự động tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá hơn 600 tỷ USD bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2013, nếu Nhà Trắng và Quốc hội không đạt được một thỏa thuận về các giải pháp có tính giảm nhẹ hơn.

Mối nguy này xuất hiện từ năm 2001, khi chính quyền của Tổng thống George W Bush thông qua chương trình cắt giảm thuế trị giá 1,7 tỷ USD cho đến năm 2011. Năm 2010, hai năm sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Barack Obama đã đạt được thỏa thuận với Quốc hội về gia hạn chương trình giảm thuế dưới thời của người tiền nhiệm thêm hai năm.

Điều đó cũng đồng nghĩa là nếu không gia hạn tiếp thì sau ngày 31/12/2012, nhiều sắc thuế sẽ được tự động tăng lên, chi tiêu công sẽ bị cắt giảm đáng kể để có thể giải quyết một cách triệt để nhất vấn đề thâm hụt ngân sách.

Cùng với vế thứ nhất là tăng thuế, vế thứ hai của “vách đá tài chính” là việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ như đã được nêu trong Luật kiểm soát ngân sách 2011 để đổi lại là trần nợ công sẽ được nâng lên.

Theo đó, trần nợ công được nâng lên với điều kiện đi kèm là kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách 2.400 tỷ USD trong vòng 10 năm. Trong số 2.400 tỷ USD phải cắt giảm này, có 1.200 tỷ được xác định rất cụ thể trong Luật kiểm soát ngân sách 2011. Phần 1.200 tỷ còn lại sẽ được một "Siêu Ủy ban" bao gồm các thành viên của cả Hạ viện và Thượng viện cùng quyết định.

Nếu "Siêu Uỷ ban" này không thể đạt được thoả thuận phải cắt cái gì, cắt ở đâu thì một cơ chế trong luật này gọi là “dành riêng” sẽ có hiệu lực, theo đó tất cả các mục chi tiêu của chính phủ sẽ đều bị cắt để đảm bảo thâm hụt có thể giảm thêm được đúng 1.200 tỷ USD trong 10 năm.

Nếu nước Mỹ không tránh được “vách đá tài chính” thì tác động của việc tăng thuế và thắt chặt chi tiêu sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái (nhẹ) đối với nền kinh tế nước này trong năm 2013 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên khoảng 9% vào nửa cuối năm.

Theo tính toán của Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO), nếu kịch bản này xảy ra, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ giảm 600 tỷ USD trong năm 2013, kéo theo GDP của Mỹ trong cùng năm giảm 0,5%.

Trong lúc kinh tế Mỹ đang đối mặt với những khó khăn chồng chất, nợ công khổng lồ ở mức hơn 16.000 tỷ USD, thâm hụt ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp cao, kịch bản "vách đá tài chính" nếu xảy ra sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế đang phục hồi chậm chạp của Mỹ.

Đây là một kết cục rất không được mong đợi vì nước Mỹ vừa mới tạm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2008.

Thỏa thuận giờ chót


Sau gần một năm chia rẽ đảng phái và sau hơn hai tháng đàm phán ròng rã tưởng chừng đã thất bại, Thượng viện Mỹ đã thông qua một thỏa thuận trong đêm 31/12/2012 và chưa đầy 24 giờ sau đó, Hạ viện cũng đã thông qua thỏa thuận này, giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới né được "vách đá tài chính" trong gang tấc.

Dù nhiều đảng viên Cộng hòa vẫn không hài lòng với việc tăng thuế và muốn cắt giảm chi tiêu nhiều hơn, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát cuối cùng cũng đã nhận thấy rằng "vách đá tài chính" sẽ bắt đầu có ảnh hưởng đến nền kinh tế một khi các thị trường tài chính và các cơ quan chính phủ hoạt động trở lại vào ngày 2/1 sau kỳ nghỉ lễ.

Trước đó, trong ngày 1/1, các cuộc thương lượng dường như sắp đổ vỡ vì các nghị sỹ Cộng hòa mạnh mẽ chống đối dự luật của Thượng viện và nhất định muốn thêm vào dự luật những khoản cắt giảm chi tiêu.

Theo thỏa thuận, thuế sẽ tăng từ 35% lên 39,6% đối với những người giàu tại Mỹ, tức những cá nhân có thu nhập trên 400.000 USD/năm và những hộ gia đình có thu nhập trên 450.000 USD/năm, cao hơn so mức đề xuất trước đây của Tổng thống Obama và các nghị sỹ Đảng Dân chủ là 250.000 USD.

Tuy nhiên, những gia đình có thu nhập dưới mức 450.000 USD/năm sẽ vẫn được hưởng mức thuế thấp đã được áp dụng kể từ năm 2001. Bên cạnh đó, thuế thu nhập đầu tư tài chính cũng sẽ tăng từ 15% lên 20%, thấp hơn nhiều so với mức 39,6% trong trường hợp "vách đá tài chính" có hiệu lực.

Đồng thời, thuế thừa kế bất động sản sẽ tăng từ 35% lên 40% đối với tài sản có giá trị trên 5 triệu USD cho các cá nhân và 10 triệu USD cho một cặp vợ chồng.

Thỏa thuận cũng gia hạn một năm trợ cấp thất nghiệp cho khoảng hai triệu người Mỹ và tạm thời hoãn hai tháng đối với việc cắt giảm chi tiêu 109 tỷ USD.

Với sự nhượng bộ lẫn nhau của hai đảng trong Quốc hội, nước Mỹ đã an toàn vượt “vách đá tài chính”, viễn cảnh mà các thị trường tài chính thế giới rất lo ngại trong những ngày qua vì trong trường hợp đó, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Với các giải pháp đã được thống nhất, thu và chi ngân sách của Mỹ ước tăng tương ứng 8,13% và 1,15% trong tài khoá 2013, giúp thâm hụt ngân sách giảm khoảng 157 tỷ USD so với mức thâm hụt của năm trước, thay vì giảm 487 tỷ USD theo kịch bản “vách đá tài chính”.

Bằng cách này, nước Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái mới như đã được dự báo, song nhiều nhà phân tích cho rằng vì phải thoả hiệp, giải pháp tạm thời sẽ không giúp giải quyết vấn đề một cách triệt để, và vì thế, nước Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm.

Vẫn còn những trở ngại lớn

Thỏa thuận giữa hai đảng trong Quốc hội đã giải tỏa được những mối lo trước mắt, nhưng con đường phía trước đối với chính trường và nền kinh tế Mỹ vẫn ngổn ngang các chướng ngại vật.

Nước Mỹ sẽ lại đối diện với một trận chiến mới về vấn đề ngân sách trong hai tháng tới, khi việc cắt giảm chi tiêu sẽ lại được bàn tới vào cuối tháng 2/2013. Đồng thời, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng không thể né tránh một vấn đề khác là nâng trần nợ công từ mức 16.400 tỷ USD hiện nay, khi con số đã kịch trần này vào ngày 31/12.

Nếu trần nợ công không được nâng lên, nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên vào tháng Hai hoặc tháng Ba và bị giáng cấp tín nhiệm như những gì đã xảy ra vào năm 2011, điều sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin trên khắp toàn cầu vào kinh tế Mỹ.

Thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Obama là các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã công khai lên tiếng sẽ lật ngược tình thế khi hai bên sẽ bước vào vòng thương lượng về việc cắt giảm ngân sách đối với các chương trình quốc phòng và xã hội, và nâng trần nợ quốc gia trong vòng hai tháng tới.

Một số lãnh đạo của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ đặt điều kiện cho việc nâng trần nợ là Nhà Trắng phải nhượng bộ trong cắt giảm ngân sách, còn Tổng thống Obama đã nhiều lần cảnh báo đảng Cộng hòa không lồng hai vấn đề này trong các cuộc thương lượng sắp tới.

Chođến nay, quan điểm của người đứng đầu phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell là không tăng thêm thuế với người giàu mà tập trung vào cắt giảm chi tiêu, còn phe Dân chủ vẫn muốn tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa việc tăng thuế đối với người giàu và cắt giảm chi tiêu.

Bên cạnh đó, không những chưa giải quyết được tận gốc các vấn đề của nền kinh tế Mỹ là nợ công và thâm hụt ngân sách, thỏa thuận tại Quốc hội cũng không phải là lời giải cho bài toán kinh tế Mỹ.

Khi thị trường bất động sản đang "ấm" dần lên, gánh nặng nợ của các gia đình nhẹ bớt, giúp tăng khả năng chi tiêu tiêu dùng và nguy cơ "vách đá tài chính" đã được loại bỏ, các nhà kinh tế lại không nhìn thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế và việc làm mạnh mẽ hơn đối với nước này trong năm 2013.

Dù đã thoát khỏi "vách đá tài chính", chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ - động lực của nền kinh tế - vẫn khó có thể tăng mạnh do thuế an sinh xã hội cao hơn, làm giảm thu nhập của người tiêu dùng.

Nhiều nhà kinh tế dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 2% hoặc thấp hơn trong năm nay, so với mức ước tăng 2,2% trong năm ngoái và tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn ở mức cao 7,7%./.
     
Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục