Kinh tế Mỹ trên con đường phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19

Nền kinh tế Mỹ đang trên con đường phục hồi hoàn toàn sau cuộc suy thoái do đại dịch, đặc biệt là sau khi gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD mới được thông qua.
Quang cảnh thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế Mỹ đang trên con đường phục hồi hoàn toàn sau cuộc suy thoái do đại dịch, đặc biệt là sau khi gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD mới được thông qua.

Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư trên 2.200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng mới đây cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này cũng đứng trước khả năng trở nên “quá nóng,” điều mà Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định có đủ công cụ để kiểm soát nếu xảy ra.

Kinh tế Mỹ tiệm cận với sự phục hồi hoàn toàn

Theo Chủ tịch Fed tại bang Richmond Thomas Barkin, kinh tế nước này có thể đã tiệm cận với sự phục hồi hoàn toàn từ cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19, dù những rủi ro vẫn còn.

Ông Barkin cho rằng tiền tiết kiệm và tiền hỗ trợ từ gói kích thích sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu được giải phóng nhờ có vaccine và thời tiết ấm lên. Theo ông, nền kinh tế đang trên con đường phục hồi khi gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD được ban hành gần đây đang giúp tăng thu nhập và khoản tiết kiệm của các gia đình, bù lại tình trạng thất nghiệp vẫn rất đáng ngại.

Trong khi đó, phát biểu tại Nhà Trắng ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng kế hoạch hiện đại hóa cơ sở hạ tầng mà ông mới công bố có thể tạo ra 19 triệu việc làm trong thập niên tới khi Mỹ thoát khỏi đại dịch. Ông nói rằng nếu kế hoạch này được thông qua, nền kinh tế có thể bổ sung thêm “những công việc tốt, những công việc kỹ thuật và những công việc được trả lương cao.”

[Fed đánh giá kinh tế Mỹ bắt đầu tăng tốc vào mùa Xuân]

Đó là đánh giá đầu tiên của Nhà Trắng về tác động đến tình hình việc làm của “Kế hoạch Việc làm Mỹ” trị giá 2.250 tỷ USD được ông bố ngày 31/3 vừa qua. Kế hoạch này cũng đề cập đến việc cải tạo/nâng cấp cơ sở hạ tầng vật chất và công nghệ, cùng như giải quyết tình trạng bất bình đẳng kinh tế trong nước lâu nay.

Trong một thông báo gửi cho khách hàng vào ngày 14/3, ngân hàng Goldman Sachs dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 8% trong năm nay. Nếu dự báo này là đúng, đây sẽ là năm mà nền kinh tế có sự cải thiện lớn nhất trong nhiều thập kỷ, khi lần gần nhất mà GDP của Mỹ đạt mức tăng trưởng 8% là vào năm 1951. Goldman Sachs cho biết việc nâng dự báo tăng trưởng phản ánh các chính sách tài khóa mới nhất của Mỹ.

Mức tăng trưởng theo dự báo trên sẽ đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn của kinh tế Mỹ từ cuộc suy thoái tài chính do đại dịch COVID-19, vượt qua mức suy giảm 4,1% vào năm 2020. Với mức tăng trưởng 8%, GDP của Mỹ sẽ đạt khoảng 22.600 tỷ USD. Trong khi đó, theo Axios, lạm phát 2,1% so với mức tăng trưởng dự kiến "sẽ gần như chưa từng có."

Khi một số nhà kinh tế lo ngại việc Chính phủ Mỹ tiếp tục chi tiền để hỗ trợ nền kinh tế và giúp các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Goldman Sachs cho rằng động lực lạm phát sẽ phản ánh chu kỳ trước đó và sẽ chỉ chuyển thành lạm phát được tính bằng chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi ở mức 2,1% vào năm 2023.

Nhưng sẽ không tăng trưởng “quá nóng”

Trả lời câu hỏi trong một cuộc phỏng vấn ngày 8/3 vừa qua về khả năng nền kinh tế trở nên “quá nóng” trong môi trường lạm phát và lợi suất trái phiếu cao, bà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen không cho rằng điều đó sẽ xảy ra, đồng thời khẳng định có đủ công cụ để điều chỉnh tăng trưởng của nền kinh tế.

Nền kinh tế Mỹ sẵn sàng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ. (Nguồn: Reuters)

Bà Yellen cũng phản bác quan điểm cho rằng gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD là quá lớn để nền kinh tế có thể hấp thụ mà không bị phát triển quá nóng. Bà cho rằng gói cứu trợ là cần thiết để vực dậy nền kinh tế trở lại như trước khi đại dịch xảy ra. Trong trường hợp gói kích thích này gây ra lạm phát sẽ có những công cụ để giải quyết và vấn đề này sẽ được giám sát chặt chẽ.

Phát biểu trên được bà Yellen đưa ra trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm đạt mức cao nhất kể từ trước khi đại dịch bùng phát. Vào ngày 10/2 vừa qua, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chưa điều chỉnh lạm phát của Mỹ đã tăng từ 1,13% lên 1,61%/năm, mức cao nhất trong một năm. Trong khi đó, Fed đã giữ nguyên mức lãi suất cho vay ở biên độ gần bằng 0 kể từ khi bùng phát dịch một năm trước đây.

Sự gia tăng lợi suất đã khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng lạm phát tăng vọt từ sự phục hồi kinh tế hình chữ V, đặc trưng cho sự phục hồi nhanh chóng và bền vững sau sự suy giảm mạnh mẽ. Lo ngại lạm phát gia tăng đang khiến các nhà đầu tư suy đoán Fed có thể phải thay đổi chính sách sớm hơn dự kiến bằng cách giảm mua trái phiếu hoặc thậm chí tăng lãi suất vào một thời điểm nào đó.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định kinh tế Mỹ đã phục hồi nhanh hơn dự kiến, nhưng Fed sẽ không ngừng các nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế. Ông nhấn mạnh Fed sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết và không bỏ rơi hàng triệu người Mỹ vẫn đang chịu tổn thương trong cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19. Dù nâng dự báo tăng trưởng kinh tế đáng kể, Fed tiếp tục phát đi tín hiệu cho thấy lãi suất sẽ không đổi đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ cho các thị trường tài chính.

Trong khi đó, phân tích của Moody’s cũng chỉ ra rằng kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng của ông Biden sẽ khiến tăng trưởng giảm nhẹ vào năm tới, khi việc tăng thuế đánh vào doanh nghiệp (nguồn tiền huy động cho kế hoạch này) sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ chuyển hướng tăng tốc về tăng trưởng và việc làm bắt đầu từ năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục