Kinh tế Mỹ tăng trưởng vừa phải dù quan ngại về xung đột thương mại

Kinh tế Mỹ đã bước sang năm tăng trưởng thứ 11 kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, song báo cáo của Fed cho thấy một số dấu hiệu về nguy cơ suy thoái kinh tế đang xuất hiện.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng vừa phải dù quan ngại về xung đột thương mại ảnh 1(Nguồn: Bloomberg)

Trong báo cáo Sách Màu Be về tình hình hoạt động kinh tế, kinh doanh trên toàn nước Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 17/7 cho hay những quan ngại về tình trạng “thương chiến” sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ đã ra lan rộng, song hiện tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn duy trì đà tăng trưởng với tốc độ tạo việc làm ổn định và lạm phát thấp.

Những quan ngại về triển vọng thương mại có thể tác động đến quan điểm của Fed trong cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 7 khi cơ quan này được dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong một thập niên. Fed cho hay “hoạt động kinh tế của Mỹ tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải kể từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 7/2019."

Trong khi triển vọng kinh tế Mỹ trong những tháng tới “nhìn chung tích cực," báo cáo trên cũng cho thấy “những quan ngại lan rộng” về ảnh hưởng bất lợi có thể xảy ra do “những bất ổn liên quan tới thương mại."

Kinh tế Mỹ đã bước sang năm tăng trưởng thứ 11 kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, song báo cáo trên cho thấy một số dấu hiệu về nguy cơ suy thoái kinh tế đang xuất hiện.

Trong khi đó, dù Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách tái khởi động các cuộc đàm phán về thương mại đã bị đình trệ trong tháng 5/2019, các quan chức Mỹ khuyến cáo rằng chặng đường nỗ lực nhằm kết thúc tình trạng “thương chiến” giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn còn rất dài.

[Ngân hàng trung ương Mỹ cảnh báo bất ổn kinh tế gia tăng]

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã lưu ý về tình trạng kinh tế thế giới suy yếu là một nguyên nhân quan trọng khiến một số quan chức Fed cho rằng khả năng cơ quan này nới lỏng chính sách tiền tệ đã gia tăng dù tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở sát mức thấp nhất trong 50 năm và thị trường chứng khoán Mỹ vẫn áp sát mức cao kỷ lục.

Báo cáo trên, tập hợp các báo cáo từ 12 chi nhánh của Fed, cho thấy khả năng Fed cắt giảm lãi suất có thể tăng trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải ứng phó những khó khăn về nguồn cung, thuế quan, thị thực và các vấn đề khác có thể gây ra những rủi ro lớn hơn đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Cùng với tình trạng kinh tế thế giới suy yếu và các chinh sách khó đoán định của Chính phủ Mỹ, các vấn đề trên đã dẫn tới mối quan ngại đối với đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ trong báo cáo trên và khiến một số quan chức Fed bắt đầu thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ của cơ quan này.

Chủ tịch chi nhánh tại Kansas City của Fed, Esther George - một những những người quan ngại nhất về việc Fed giữ lãi suất ở mức quá thấp, ngày 17/7 cho rằng bà đã "chuẩn bị" thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ của Fed khi nhận thấy những rủi ro suy giảm do chính sách thương mại và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, châu Âu và các nền kinh tế khác.

Báo cáo trên đã lưu ý tới hoạt động của các doanh nghiệp vận tải bắt đầu suy giảm - một dấu hiệu tiêu cực tiềm tàng đối với tăng trưởng kinh tế mà một số nhà phân tích đã nhắc tới, và những bất ổn liên quan tới thương mại trong lĩnh vực chế tạo của Mỹ.

Báo cáo này cho rằng tình trạng sa thải nhân công ở một số doanh nghiệp có liên quan tới việc Mỹ áp mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu khi các công ty chuyển hoạt động sản xuất hàng hóa sử dụng phụ tùng, linh kiện nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ sang các nước khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục