Kinh tế Mỹ năm 2024 nhiều yếu tố bất ngờ

Bất chấp những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống, lãi suất tăng cao và thị trường lao động hạ nhiệt, tăng trưởng kinh tế của cường quốc này vẫn duy trì vững chắc trong năm 2024.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong vài năm qua, nền kinh tế Mỹ liên tục vượt qua những dự đoán về sự suy giảm. Năm 2024 cũng không phải là ngoại lệ.

Bất chấp những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống, lãi suất tăng cao và thị trường lao động hạ nhiệt, tăng trưởng kinh tế của cường quốc này vẫn duy trì vững chắc trong năm 2024. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Mỹ được dự đoán sẽ là quốc gia có hiệu suất hoạt động tốt nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Lạm phát chậm lại một cách khó khăn, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải chấp nhận cách tiếp cận "lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn". Các lĩnh vực nhà ở và sản xuất tiếp tục gặp khó khăn dưới gánh nặng của chi phí đi vay cao. Người tiêu dùng với nợ thẻ tín dụng, thế chấp và các khoản vay khác đã chứng kiến tỷ lệ nợ quá hạn tăng lên.

Dưới đây là cái nhìn cận cảnh hơn về hiệu quả hoạt động của nền kinh tế Mỹ trong năm nay:

Người tiêu dùng vẫn là "trụ cột"

Lý do tại sao nền kinh tế vượt mong đợi trong năm 2024 chính là người tiêu dùng Mỹ. Ngay cả khi việc tuyển dụng chậm lại, tăng trưởng tiền lương vẫn tiếp tục vượt lạm phát và tài sản hộ gia đình đạt mức kỷ lục mới, hỗ trợ cho chi tiêu của hộ gia đình tăng liên tục.

Các nhà dự báo của Bloomberg Economics ước tính chi tiêu của hộ gia đình ở Mỹ tăng 2,8% trong năm 2024, nhanh hơn năm 2023 và gần gấp đôi so với dự báo của họ vào đầu năm.

"Vết nứt" bắt đầu xuất hiện

Mặc dù hoạt động chi tiêu vẫn mạnh, song một số yếu tố chính thúc đẩy khả năng phục hồi đó đã mất đà trong năm nay. Người Mỹ phần lớn đã sử dụng hết tiền tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch và mức tiết kiệm mỗi tháng nhìn chung đã ít hơn.

Chi tiêu của người tiêu dùng cũng ngày càng được thúc đẩy bởi những người có thu nhập cao hơn, những người đang được hưởng cái gọi là "hiệu ứng tài sản" từ việc giá nhà và thị trường chứng khoán tăng, trong khi người thu nhập thấp ngày càng dựa vào tín dụng, kéo theo tình trạng nợ quá hạn gia tăng.

Thị trường lao động hạ nhiệt

Sự hỗ trợ chính cho chi tiêu của người tiêu dùng cũng bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo trong năm 2024. Tỷ lệ thất nghiệp nhích lên, số lượng cơ hội việc làm giảm, khiến người thất nghiệp khó tìm việc hơn. Dù vậy, các quan chức Fed vẫn lạc quan hơn vào cuối năm khi tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức thấp so với lịch sử, và tăng trưởng tiền lương vẫn duy trì ở mức khoảng 4%. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình.

Lạm phát "cứng đầu"

Sau một giai đoạn giảm khá nhanh vào năm 2023 và nửa đầu năm 2024, việc kiểm soát lạm phát đã gặp khó khăn và lạm phát không còn tiếp tục giảm xuống, thậm chí một số chỉ số còn tăng lên. Điều này khiến ngân hàng trung ương khó đạt được mục tiêu lạm phát 2%.

Một trong những thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân không bao gồm thực phẩm và năng lượng đã tăng 2,8% trong tháng 11/2024 so với một năm trước đó.

Mặc dù các quan chức Fed đã quyết định giảm lãi suất 1 điểm phần trăm trong năm 2024 trong nỗ lực giảm bớt áp lực lên nền kinh tế, Chủ tịch Jerome Powell đã chỉ ra rằng các nhà hoạch định chính sách nhận thấy cần nhiều tiến triển hơn về lạm phát trước khi thực hiện các đợt cắt giảm bổ sung vào năm 2025.

Lãi suất cao "bóp nghẹt" thị trường nhà ở và sản xuất

Thị trường nhà ở tiếp tục gặp khó khăn do gánh nặng của chi phí đi vay cao hơn. Lãi suất thế chấp, đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 9/2024, lại đang tiến gần đến mức 7% do kỳ vọng rằng Fed sẽ mất nhiều thời gian hơn để cắt giảm. Các nhà thầu tiếp tục đưa ra các ưu đãi để thu hút người mua, bao gồm cả việc giảm lãi suất thế chấp và thanh toán thay cho họ, cũng như giảm giá định kỳ.

Mặc dù doanh số bán hàng đã ổn định phần nào trong năm 2024, song chúng vẫn ở dưới mức trước đại dịch. Tại thị trường nhà bán lại, chiếm phần lớn các giao dịch mua nhà, Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia dự đoán tốc độ bán hàng năm 2024 thậm chí còn thấp hơn năm 2023, vốn đã là mức tồi tệ nhất kể từ năm 1995.

Lĩnh vực sản xuất là một “nạn nhân” khác của chi phí đi vay tăng cao. Đầu tư vào các công trình mới bị ảnh hưởng do lãi suất cao và nhu cầu yếu hơn ở nước ngoài, và nhiều công ty đã cắt giảm việc làm trong nỗ lực tiết kiệm chi phí. Các nhà sản xuất hàng hóa lâu bền đã giảm lực lượng lao động trong tất cả các tháng của năm nay, ngoại trừ một tháng.

Chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng có thể gây áp lực lên lĩnh vực này vào năm 2025.

Mặc dù ông Trump đã cam kết sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, một số nhà kinh tế và các nhóm doanh nghiệp dự đoán kế hoạch áp đặt thuế quan cao hơn, việc trục xuất hàng triệu người nhập cư và cắt giảm thuế của ông có thể đẩy lạm phát lên cao và hạn chế thị trường lao động, cũng như làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Chi tiêu vốn của các nhà sản xuất Mỹ được dự kiến sẽ tăng với tốc độ chậm trong năm tới trong bối cảnh có sự bất ổn đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục