Giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng Năm ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn hai năm, khi giá xăng dầu phục hồi. Trong khi đó, các số liệu khác mới công bố cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang lấy lại động lực sau khởi đầu èo uột.
Theo Bộ Lao động Mỹ, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4% trong tháng Năm, sau khi chỉ tăng 0,1% trong tháng Tư. Mức tăng của tháng Năm là mạnh nhất kể từ tháng 2/2013.
Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng Năm không thay đổi, sau khi giảm 0,2% trong tháng Tư. Giá xăng dầu tăng 10,4% trong tháng Năm là yếu tố chính khiến CPI tăng mạnh. Đó là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2009, sau khi giảm 1,7% trong tháng Tư.
Trong khi giá năng lượng ổn định dần, đồng USD mạnh đang gây thêm sức ép lên lạm phát cơ bản. So với tháng trước, CPI lõi, không bao gồm giá lương thực và năng lượng, tăng 0,1%, mức tăng thấp nhất trong năm tháng, sau khi tăng 0,3% trong tháng Tư.
Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi tăng 1,7%, sau khi tăng 1,8% trong tháng Tư.
Cũng theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 13/6 giảm 12.000, xuống 267.000, và đây là tuần thứ 15 liên tiếp con số này ở mức dưới 300.000, ngưỡng thường được gắn với một thị trường việc làm ổn định.
Không có yếu tố đặc biệt nào tác động đến số liệu mới nhất này mà số đơn xin trợ cấp có xu hướng giảm khi các doanh nghiệp Mỹ tăng cường tuyển dụng lao động.
Trong khi đó, chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Philadelphia công bố báo cáo cho thấy chỉ số hoạt động sản xuất của khu vực trong tháng Sáu đạt mức 15,2, mức kỷ lục sáu tháng.
Sự ổn định của giá cả và sự hồi phục của nền kinh tế, đặc biệt là ở sự đảm bảo công ăn việc làm hơn, có thể đưa Fed đến gần hơn với quyết định tăng lãi suất trong năm nay.
Báo cáo chính sách công bố ngày của Fed - Ngân hàng trung ương Mỹ - cho biết quyết định tăng lãi suất còn tùy thuộc vào hai yếu tố chính là sự cải thiện tiếp tục của thị trường lao động và lạm phát tăng dần lên mức mong muốn./.