Kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng liên tiếp trong 10 năm

Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ tăng 2,6% trong quý 4 năm 2018 và sẽ chỉ tăng 1,8% trong quý 1 và 2,5% trong quý 2 năm 2020.
Kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng liên tiếp trong 10 năm ảnh 1Đà mua sắm của người tiêu dùng đã chững lại trong nhiều tuần trở lại đây. (Nguồn: MarketWatch)

Phóng viên TTXVN tại New York dẫn khảo sát ý kiến 50 chuyên gia kinh tế do tờ Wall Street Journal tiến hành và công bố ngày 30/1 cho thấy, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ tăng 2,6% trong quý 4 năm 2018 và sẽ chỉ tăng 1,8% trong quý 1 và 2,5% trong quý 2 năm 2020.

Tính trung bình, tăng trưởng GDP của Mỹ trong 9 tháng tính từ 9/2018 đến 6/2019 ước đạt 2,3%, một tỷ lệ không quá tồi, nhưng kém mức 3% ghi nhận trong năm vừa qua tính đến tháng 9/2019.

Giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận, đà giảm tốc mạnh của kinh tế Trung Quốc, tăng trưởng chậm lại của khu vực châu Âu tạo ra lực cản cho kinh tế Mỹ, giảm nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng từ Mỹ, khiến giới doanh nghiệp Mỹ e dè hơn trong việc ra các quyết định đầu tư, kinh doanh dài hạn.

Kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng liên tiếp trong 10 năm tính đến mùa Hè năm nay và đây sẽ là giai đoạn kéo dài nhất. Các nhà kinh tế cho rằng ngưỡng kỷ lục này nằm trong tầm tay, bởi thị trường việc làm và chi tiêu hộ gia đình vẫn đang khởi sắc. Tiêu dùng tạo ra lực đẩy đối với 2/3 nhu cầu kinh tế ở Mỹ.

[Kinh tế Mỹ thiệt hại 11 tỷ USD do tình trạng chính phủ đóng cửa]

Người tiêu dùng đã chi tiêu mạnh tay trong các kỳ nghỉ lễ vừa qua, nhưng đà mua sắm đã chững lại trong nhiều tuần trở lại đây, ít nhất là trong ngành bán lẻ. Doanh số bán lẻ tăng 6,5% trong 3 tuần đầu tháng 1/2019 so với cùng kỳ năm ngoái, ít hơn mức tăng 7,9% được ghi nhận trong tháng 12/2018.

Cùng lúc, các nhân tố khiến giúp người Mỹ mạnh dạn mua sắm đã không còn mạnh như trước, do tác động của gói cắt giảm thuế phai nhạt dần.

Chiến dịch của Ngân hàng dự trữ liên bang (Fed) về kiểm soát lạm phát thông qua các đợt tăng lãi suất đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là bất động sản. Tỷ lệ cầm cố cao làm suy yếu triển vọng mua sắm nhà đất. Doanh thu bán nhà giảm 10% trong tháng 12/2018 là một chỉ dấu.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất chính là việc kinh tế Trung Quốc suy giảm, với tăng trưởng GDP rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây mà một phần nguyên nhân là do cuộc chiến thương mại với Mỹ gắn với đòn trừng phạt và trả đũa thuế.

Các nhà kinh tế đánh giá, nhiều công ty, tập đoàn sẽ trì hoãn việc mở rộng sản xuất hay mua sắm thiết bị cho đến khi định ra được một kết cục rõ ràng hơn về xung đột thương mại hiện nay. Xu thế này ảnh hưởng tới Trung Quốc, nhưng cũng sẽ lây lan tới Mỹ.

Fed cũng dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong báo cáo hồi tháng 12/2018, với GDP ước tính tăng 2,3% trong năm 2019, giảm so với mức 3% của năm 2018. Nhưng quan chức Nhà Trắng lên tiếng phủ nhận các dự báo về giảm tăng trưởng.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ngày 29/1 cho biết kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng 3% như trong năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục