'Kinh tế Mỹ có thể suy thoái do áp thuế mới đối với hàng Trung Quốc'

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 10% đối với số hàng hóa còn lại trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc kể từ ngày 1/9 tới.
Hàng hóa của Trung Quốc chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach ở Los Angeles, California, Mỹ ngày 16/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới chuyên gia nhận định căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới không chỉ tác động đến xuất khẩu của Trung Quốc mà còn gia tăng nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 10% đối với số hàng hóa còn lại trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc kể từ ngày 1/9 tới, đồng nghĩa gần như tất cả số hàng hóa của Trung Quốc mà Mỹ nhập khẩu bị đánh thuế.

Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo các doanh nghiệp nước này đã ngừng mua nông sản của Mỹ, đồng thời Bắc Kinh không loại trừ khả năng áp thuế nhập khẩu bổ sung đối với nông sản của Washington được đặt mua sau ngày 3/8.

Ngày 15/8, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ có những động thái đáp trả cần thiết nếu Mỹ tiến hành áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc.

[Đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong tháng 9 vẫn theo đúng kế hoạch]

Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Mỹ tại Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc Teng Jianqun cho biết căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và với nhiều nước khác sẽ chỉ làm suy yếu nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như gia tăng nguy cơ xảy ra tình trạng suy thoái.

Trong khi đó, Phó Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc Ruan Zongze đánh giá tranh chấp thương mại nói trên có tác động “rất hạn chế” đối với ngoại thương của Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đã chuyển sang đa dạng hóa các nguồn xuất khẩu và tăng cường quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Số liệu thống kê chính thức cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với EU và ASEAN lần lượt tăng 10,8% và 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ lại giảm 8,1%.

Các chuyên gia cho rằng mức thuế bổ sung khả năng sẽ gia tăng “gánh nặng” cho nền kinh tế Mỹ, vốn đã cho thấy dấu hiệu giảm tốc.

Lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ kỳ hạn 2 năm vượt lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nền kinh tế đầu tàu của thế giới suy thoái.

Dấu hiệu đáng báo động trên thị trường trái phiếu đã khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 3%, tức khoảng 800 điểm, trong bối cảnh các nhà đầu tư trải qua ngày giao dịch tồi tệ nhất trong năm. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng giảm tương tự.

Người đứng đầu Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc Qi Zhenhong cho biết mức thuế 10% sẽ tiếp tục làm giảm sức mua của các hộ gia đình Mỹ do đa số hàng hóa bị áp thuế mới là hàng tiêu dùng.

Trước đó, giới chuyên gia và nhiều doanh nghiệp tại Mỹ cũng cảnh báo quyết định áp thuế mới nhất của Tổng thống Trump sẽ tác động tiêu cực đến chính nền kinh tế cũng như túi tiền của người tiêu dùng nước này.

Ông Gary Locke, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ năm 2011-2014, cho biết Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các tổ chức tài chính khác ước tính mức thuế mới sẽ khiến mỗi hộ gia đình Mỹ phải chi tiêu thêm trung bình 1.000 USD do giá cả tăng, trong khi đẩy các công ty Mỹ vào thế khó cạnh tranh hơn ở thị trường trong và ngoài nước.

Về phần mình, ông Fred Bergsten, cựu quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ, nhận định nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ hoãn đợt áp thuế mới do các thị trường tài chính và những chỉ số kinh tế Mỹ yếu.

Trong khi đó, nhà bán lẻ đồ thủ công và mỹ nghệ có trụ sở tại Ohio, Jo-Ann Stores, cho biết quyết định tăng thuế đối với hàng của Trung Quốc được đưa ra tháng 9/2018 vốn đã khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm, trong khi làm gia tăng nguy cơ sa thải nhân công.

Tương tự, một liên minh các nghiệp đoàn thương mại Mỹ cho biết các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đã phải trả 6 tỷ USD tiền thuế nhập khẩu trong tháng Sáu vừa qua, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cảnh báo đợt áp thuế mới sẽ làm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nhu cầu hàng hóa giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục