Kinh tế là nền tảng cho quan hệ vững chắc và đáng tin cậy Việt Nam-Nga

Theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo được tổ chức ở Nga, kinh tế sẽ là nội dung chủ đạo trong chương trình nghị sự của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Phó Giám đốc Viện Phương Đông học - Tiến sỹ Sử học Valentin Golovachev (ở giữa) phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)
Phó Giám đốc Viện Phương Đông học - Tiến sỹ Sử học Valentin Golovachev (ở giữa) phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)

Ngày 18/6, ngay trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin, Hội thảo "Nga và Việt Nam: 30 năm Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị" đã diễn ra tại trụ sở Viện Phương Đông học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.

Hội thảo đã quy tụ những nhà nghiên cứu Việt Nam hàng đầu hiện nay thuộc nhiều thế hệ tại Liên bang Nga.

Hội nghị cũng vinh dự đón Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân, và đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam đang có chuyến thăm và làm việc tại Liên bang Nga.

Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Viện Phương Đông học, Tiến sỹ Sử học Valentin Golovachev chỉ ra rằng sau 30 năm ký kết, Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị đã chứng tỏ giá trị của mình theo thời gian.

Đến nay, Hiệp ước được gia hạn tự động 4 lần và dịp kỷ niệm 30 năm lần này, ngoài việc tổng kết tình hình thực hiện Hiệp ước, còn có những cái nhìn về tương lai của mối quan hệ song phương, tìm ra những triển vọng mới, mở ra những cơ hội mới cho hợp tác hai bên.

Cụ thể, các báo cáo tại hội nghị đã phản ánh thực trạng quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga trong những lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá và thể hiện mối quan tâm của giới học giả Nga.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp ước đã phát huy hiệu quả ngay từ sau khi được ký kết, Việt Nam và Liên bang Nga trở thành đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam là nước đầu tiên ngoài khu vực ký Thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) mà Nga là đầu tàu, quan hệ chính trị tốt đẹp, lãnh đạo cấp cao duy trì tiếp xúc thường xuyên, giữa hai nước luôn có sự đoàn kết nhất trí và tương đồng tại nhiều diễn đàn, thiện cảm giữa nhân dân hai nước tiếp nối được truyền thống tốt đẹp từ thời Liên Xô.

Tuy nhiên, hợp tác kinh tế chưa xứng tầm với quan hệ giữa hai bên, đặc biệt trong thời gian gần đây.

Tiến sỹ kinh tế, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Trung Quốc và châu Á hiện đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã dẫn ra kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước đối tác, các tổ chức đối tác để so sánh với kim ngạch Việt Nam-EAEU, Việt Nam-Liên bang Nga.

ttxvn_hoi thao kinh te 2.jpg
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)

Dù rất nhiều hàng hóa được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0 song kết quả trao đổi hàng hóa không phải là con số đáng khích lệ. Nguyên nhân khách quan gần đây mà các chuyên gia chỉ ra tại Hội thảo là khó khăn trong hoạt động thanh toán cũng như không có đường bay thẳng giữa hai nước.

Đó cũng là một nhiệm vụ cần được giải quyết sớm và hy vọng trong chuyến thăm tới đây của Tổng thống Putin, hai bên sẽ tìm ra được cơ chế hiệu quả để giải quyết vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên TTXVN sau hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương Viện Hàn lâm Khoa học Nga Dmitry Mosyakov nhận định, nhân chuyến thăm cấp cao nhất tới đây của nhà lãnh đạo Nga, hai nước đang đứng trước một kỳ khởi sắc mới trong quan hệ.

Về những khó khăn đang cản trở hiệu quả hợp tác kinh tế, giáo sư Mosyakov cho rằng các vấn đề đã được nhận diện, cả hai bên đều hiểu rõ tầm quan trọng phải giải quyết những khó khăn này, vì vậy ông tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ giúp tháo gỡ tất cả những rào cản, sau đó sẽ là sự hồi phục rất nhanh chóng quan hệ kinh tế.

Theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo, kinh tế sẽ là nội dung chủ đạo trong chương trình nghị sự của chuyến thăm và điều này được các chuyên gia đánh giá hết sức tích cực.

Trên nền tảng hợp tác văn hóa, một trong những vấn đề dù không mới nhưng ít được nhắc đến là tình trạng thiếu hụt thông tin xác thực và thời sự về hai nước.

Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Saint Petersburg, cho rằng đây là lỗ hổng trong quan hệ song phương, cần được khẩn trương khép lại.

Một điều đáng chú ý là những đặc trưng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, những thành công của đất nước tại các diễn đàn, trên trường quốc tế đã được các chuyên gia trẻ thuộc thế hệ Việt Nam học tiếp theo nghiên cứu kỹ lưỡng.

Chuyên gia chính thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISI) Maria Zelenkova cho rằng chính những khác biệt và bản sắc của Việt Nam là điều hấp dẫn và thu hút ngày càng đông giới trẻ tại Nga. Tốc độ phát triển nhanh vượt bậc của Việt Nam cũng là điểm hấp dẫn sự nghiên cứu từ phía các bạn nước ngoài.

Diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin, hội thảo đã đề cập tới kỳ vọng của các giới tại Nga về chuyến thăm này với mong muốn củng cố quan hệ truyền thống tốt đẹp không chỉ về chính trị và văn hóa, mà còn về kinh tế - một trong những nền tảng cho sự vững chắc và đáng tin cậy trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục