Theo giới quan sát, số liệu được công bố trong tuần tới có thể sẽ khẳng định nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang “nóng” về tăng trưởng, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực và Hy Lạp quay trở lại thị trường trái phiếu, mặc dù số liệu lạm phát có thể là trở ngại cho kế hoạch bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Kinh tế Eurozone vượt xa Anh và Mỹ về tốc độ tăng trưởng trong quý 1/2017.
Tuy nhiên, khu vực này có thể không phải quán quân trong quý 2/2017, sau khi tăng trưởng GDP của Mỹ đạt mức 2,6% trong quý 2 vừa qua, nhờ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp tăng.
Dù vậy, Eurozone vẫn vượt Anh, khi nền kinh tế nước này không có được động lực tăng trưởng. Kinh tế Eurozone được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 0,6%/quý và 2,4%/năm trong quý 2/2017.
Số liệu công bố ngày 28/7 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai khu vực là Pháp tăng trưởng 0,5% quý thứ ba liên tiếp, trong khi tốc độ tăng trưởng của kinh tế Tây Ban Nha quay trở lại mức trước khủng hoảng là 0,9%.
Lòng tin vào nền kinh tế Eurozone tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng Bảy, lên mức cao kỷ lục mới trong 10 năm nhờ lĩnh vực dịch vụ. Lòng tin trong tất cả các lĩnh vực cũng như của người tiêu dùng đều vượt xa các mức trung bình trong lịch sử.
IMF mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Eurozone, trong khi hạ dự báo của Mỹ và Anh. Quỹ này nhận định đà phục hồi của kinh tế Eurozone vững chắc và đều khắp, với nhu cầu nội địa mạnh hơn.
Tăng trưởng kinh tế mạnh sẽ khiến ECB phải tính đến việc giảm chương trình mua tài sản, nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn đang chờ số liệu về lạm phát.
Tuy nhiên, theo ước tính sơ bộ, lạm phát tháng Bảy sẽ ổn định ở mức 1,3%, thấp hơn mức mục tiêu dưới 2% mà ECB đề ra. Đặc biệt là lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm chưa qua chế biến, đang giảm./.