Kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến thu chi ngân sách

Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt hơn 356.500 tỷ đồng, bằng 43,7% dự toán; trong đó, thu nội địa bằng 43,3% dự toán, đây là mức thấp so với cùng kỳ một số năm gần đây. Ước tính chỉ có 3/14 khoản thu, sắc thuế thu đạt tiến độ dự toán, nhưng là các khoản thu nhỏ. Trong khi đó, phát sinh nhiều nhu cầu tăng chi ngân sách Nhà nước, nhất là nhu cầu ứng chi đầu tư phát triển để kích cầu nền kinh tế, áp lực cân đối nguồn đảm bảo nhiệm vụ chi hoàn thuế giá trị gia tăng, xử lý các khoản thiếu chi cấp bù chênh lệch lãi suất các Ngân hàng chính sách, xử lý khắc phục thiên tai, dịch bệnh...
Hoạt động của nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2013 mặc dù đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến hoạt động thu chi ngân sách Nhà nước.

Nhiều khoản thu không đạt

Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt hơn 356.500 tỷ đồng, bằng 43,7% dự toán; trong đó, thu nội địa bằng 43,3% dự toán, đây là mức thấp so với cùng kỳ một số năm gần đây. Ước tính chỉ có 3/14 khoản thu, sắc thuế thu đạt tiến độ dự toán, nhưng là các khoản thu nhỏ. Các khoản thu, sắc thuế còn lại đều thu thấp hơn yêu cầu tiến độ dự toán như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 39,4%, khu vực công thương ngoài quốc doanh đạt 42,7%...

Bộ Tài chính cho biết, cả nước có 21/63 tỉnh, thành có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán, chủ yếu là các địa phương có số thu nhỏ như Lào Cai, Thái Bình, Bến Tre... Các tỉnh, thành khác có số thu đạt dưới 50% là Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh... So với mức thực hiện cùng kỳ 2012, 53/63 tỉnh, thành thu đạt và vượt, tuy nhiên mức tăng không lớn và chủ yếu là các tại địa phương có số thu nhỏ.

Về chi ngân sách Nhà nước, lũy kế thực hiện chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 448.910 tỷ đồng, bằng 45,9% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Theo Bộ Tài chính, trong quá trình điều hành, ngân sách Trung ương đã sử dụng trên 1.500 tỷ đồng dự phòng năm 2013 (bằng 13,9% dự toán bố trí) để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ các địa phương phục hồi sản xuất nông nghiệp.

Có thể nói, thu ngân sách Nhà nước đạt thấp so với yêu cầu dự toán và thực hiện cùng kỳ năm trước. Bộ Tài chính nhận định, với tiến độ thu này, kết hợp với việc thực hiện một số chính sách ưu đãi về thuế thì khả năng giảm thu ngân sách Nhà nước là rất lớn.

Trong khi đó, phát sinh nhiều nhu cầu tăng chi ngân sách Nhà nước, nhất là nhu cầu ứng chi đầu tư phát triển để kích cầu nền kinh tế, áp lực cân đối nguồn đảm bảo nhiệm vụ chi hoàn thuế giá trị gia tăng, xử lý các khoản thiếu chi cấp bù chênh lệch lãi suất các Ngân hàng chính sách, xử lý khắc phục thiên tai, dịch bệnh...

Theo Bộ Tài chính, để hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ tài chính ngân sách Nhà nước năm 2013, trong 6 tháng cuối năm, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát triển sản xuất-kinh doanh, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu và xử lý nợ đọng; thực hiện triệt để tiết kiệm chi. Đồng thời không ban hành thêm các chính sách làm giảm thu ngân sách Nhà nước, dừng ban hành các chế độ, chính sách làm tăng chi ngân sách Nhà nước...

Bình ổn thị trường giá cả

Bộ Tài chính cũng cho biết, trong 6 tháng năm 2013, đã theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Đồng thời, Bộ cũng thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Bên cạnh đó, minh bạch, công khai hóa chi phí, giá sản xuất, tiêu thụ điện, than, xăng dầu; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng nhà nước còn duyệt giá, những mặt hàng sản xuất theo đơn đặt hàng từ ngân sách Nhà nước.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã tham gia cùng Ngân hàng Nhà nước đánh giá tình hình và xây dựng đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng. Hiện Bộ chủ trì nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý nợ và xử lý nợ xấu tại doanh nghiệp nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện phân loại các khoản nợ, chỉ ra những khoản nợ có dấu hiệu xấu để từ đó có giải pháp phù hợp ngăn ngừa, quản lý các khoản nợ này.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ bổ sung các nguyên tắc thoái vốn để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Ngoài ra, Bộ đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.../.

Thùy Dương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục