Kinh tế Italy suy giảm mạnh nhất trong số các nước EU

Dịch COVID-19 cùng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đã khiến kinh tế Italy thiệt hại nghiêm trọng, trong khi biện pháp phong tỏa hoạt động sản xuất sẽ gây nhiều tác động tiêu cực.
Kinh tế Italy suy giảm mạnh nhất trong số các nước EU ảnh 1Đường phố Rome vắng vẻ do COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Theo dự báo về tình hình tăng trưởng kinh tế mùa Hè do Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 7/7, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy sẽ giảm 11,2% trong năm 2020, mức giảm mạnh nhất trong số các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, EC dự báo GDP của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm 8,7% trong năm 2020 và tăng 6,1% vào năm 2021. Trong đó, Italy hứng chịu sự sụt giảm GDP tồi tệ nhất với 11,2%, sau đó là Tây Ban Nha (giảm 10,9%) và Pháp (giảm 10,6%).

EC đánh giá dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cùng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã khiến nền kinh tế Italy bị thiệt hại nghiêm trọng và biện pháp phong tỏa hoạt động sản xuất sẽ tác động mạnh tới hoạt động kinh tế trong quý 2/2020.

Trong trường hợp làn sóng dịch bệnh lần hai không bùng phát trở lại, nền kinh tế Italy sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các chính sách của chính phủ. Sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi nhanh hơn, song du lịch và các ngành dịch vụ liên quan sẽ cần nhiều thời gian hơn để khôi phục.

Chi tiêu tiêu dùng có thể sẽ phục hồi từ giữa năm 2020 và các gói hỗ trợ doanh nghiệp tránh sa thải người lao động sẽ giúp giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng tiền lương. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp sẽ giảm mạnh trong năm 2020 do nhu cầu không ổn định… EC cho rằng các dự báo tăng trưởng vẫn có nguy cơ sụt giảm và sự sụp đổ thị trường lao động kéo dài có thể làm chậm quá trình phục hồi.

Trong khi đó, theo khảo sát của Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT), 40,6% các doanh nghiệp siêu nhỏ, 33,5% doanh nghiệp nhỏ và 18,8% doanh nghiệp lớn đang có nguy cơ phải đóng cửa do tác động của việc kéo dài tình trạng khẩn cấp do COVID-19.

Ngoài ra, 60% khách sạn, nhà hàng cũng nguy cơ phải đóng cửa trong vòng 1 năm sau cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 và có thể khiến hơn 800.000 người lao động mất việc làm./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục