Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 13/4 cho biết nền kinh tế của nước này sẽ tăng trưởng khoảng 4,5% -5,2% trong quý 1/2022 trong bối cảnh toàn cầu đang trở nên bất ổn do cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo bà Sri Mulyani, sở dĩ kinh tế Indonesia đạt được mức tăng trưởng như vậy là nhờ có một số chỉ số tốt được ghi nhận đến đầu tháng 3/2022, chẳng hạn như chỉ số niềm tin người tiêu dùng, doanh số bán lẻ, tăng trưởng doanh số bán xe có động cơ tăng, chỉ số tiêu thụ ximăng và tiêu thụ điện.
Với các động lực như hiện nay, kinh tế Indonesia năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức khoảng 4,8-5,5%.
[Nền kinh tế Indonesia đối mặt nhiều thách thức trong năm 2022]
Trong tháng 4/2022 sẽ có nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh, giảm dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu do cuộc xung đột ở Ukraine.
Cụ thể, OECD đã hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay từ mức 4,5% xuống 3,5% hay WB hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong năm nay từ 5,4% xuống 4% và 5%.
Đối với Indonesia, WB dự báo tăng trưởng kinh tế ước tính ở mức 5,1% trong năm nay.
Cũng theo bà Sri Mulyani, tính đến ngày 31/3, nguyên nhân khiến dòng vốn nước ngoài khoảng 1,3 tỷ USD chảy ra khỏi thị trường tài chính Indonesia là do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, bà Sri Mulyani cho rằng áp lực do dòng vốn chảy khỏi thị trường trong nước đối với Indonesia vẫn tương đối thấp so với các thị trường mới nổi khác.
Dự trữ ngoại hối của nước này trong tháng 3/2022 vẫn ở mức cao, đạt 139,1 tỷ USD. Số tiền này tương đương 7,2 tháng nhập khẩu và khoản nợ nước ngoài của Chính phủ Indonesia./.