Theo số liệu của Viện kinh tế Hy Lạp (KEPE) công bố hôm 1/8, nền kinh tế Hy Lạp bắt đầu tăng trưởng trở lại với mức tăng 0,38% trong quý 2 so với cùng kỳ năm trước, trong khi trong quý 1, mức tăng trưởng giảm 0,9%.
Tăng trưởng của Hy Lạp chủ yếu dựa vào du lịch với số lượng khoảng 20 triệu du khách trong năm nay, tức gấp đôi dân số quốc gia và doanh thu chiếm 17% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo KEPE, mức tăng trưởng của Hy Lạp có thể đạt 1,2% trong quý 3 và 1,9% trong quý 4.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, mức lương bình quân tại Hy Lạp đã đạt 817 euro/tháng năm 2013, thấp hơn 20% (1.014 euro) so với năm 2009 là thời kỳ đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội mà Hy Lạp là nạn nhân trực tiếp.
Theo số liệu của IKA nơi tập hợp phần lớn những người hưởng bảo hiểm xã hội tư nhân, 4/10 nhân viên (39,2%) lĩnh dưới 750 euro/tháng trong năm 2013, tức 630 euro sau khi đã trừ các khoản phải đóng.
23,2% lĩnh dưới 500 euro/tháng, 53,7% được trả 820 euro lương mỗi tháng. Trong khoảng thời gian 2012-2013, số lượng nhân viên có thu nhập trên 4.000 euro/tháng tăng 56%. Số lượng nhân viên làm việc thời gian đầy đủ cũng tăng 41% và chiếm khoảng 1⁄4 lượng người làm công ăn lương trong năm 2013.
Bị chìm sâu trong cuộc khủng hoảng nợ công, Hy Lạp cố gắng thoát khỏi tình trạng khó khăn bằng cách áp dụng kế hoạch thắt lưng buộc bụng hà khắc từ năm 2010 theo yêu cầu của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế để đổi lấy gói cứu trợ.
Các biện pháp này đã giảm đáng kể mức sống của tất cả tầng lớp dân chúng từ viên chức, người làm công ăn lương, người buôn bán, hưu trí. Mức lương tối thiểu sẽ được duy trì đến năm 2016 là 580 euro/tháng và 511 euro đối với thanh niên dưới 25 tuổi.
Với những nỗ lực của mình, Hy Lạp, quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất châu Âu (27%) đang dần lấy lại đà tăng trưởng với mức tăng nhẹ trong năm nay./.