Kinh tế Hàn Quốc sẽ ở đâu trong bối cảnh đại dịch COVID-19?

Tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm 2021 dự kiến đạt 3,9%, một mốc khá khả quan trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa mở cửa hoàn toàn nhưng có ít biến động hơn so với các nước khác ở châu Á.
Kinh tế Hàn Quốc sẽ ở đâu trong bối cảnh đại dịch COVID-19? ảnh 1Cảng hàng hóa ở Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) ngày 2/12 đăng bài phân tích của chuyên gia Alicia Garcia Herrero, Kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư NATIXIS (trụ sở ở Paris), với nhận định rằng sau một thời gian dài chống lại đại dịch COVID-19, người dân Hàn Quốc gần đây đã bắt đầu "cởi mở" hơn bằng cách thực hiện các chuyến du lịch quốc tế mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn.

Kinh tế vĩ mô khả quan...

Thực tế cho thấy nền kinh tế Xứ Kim chi đã phục hồi trong cả năm 2021 nhờ các biện pháp kích thích tài khóa, đặc biệt là tiền tệ. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng được hỗ trợ rất nhiều nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu trong năm 2021, dẫn đầu là Trung Quốc (trong quý 1), tiếp theo là Mỹ và gần đây là châu Âu.

Tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm 2021 dự kiến đạt 3,9%, một mốc khá khả quan trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa mở cửa hoàn toàn song ít nhất, có ít biến động hơn so với các nước khác ở châu Á, đặc biệt là trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hàn Quốc đã thực hiện thành công việc duy trì các hoạt động xã hội một cách tương đối bình thường trong suốt đại dịch nhờ các biện pháp kiểm tra và truy vết tiếp xúc rộng rãi. Gần đây nhất, tỷ lệ hoàn tất tiêm chủng theo quy định đã đạt trên 70% và điều này cho phép Hàn Quốc coi COVID-19 như một loại "bệnh dịch đặc hữu" và đang tăng cường các hoạt động di chuyển xuyên biên giới từ mức rất thấp, song song với hỗ trợ chi tiêu các hộ gia đình.

Quay trở lại quan điểm tiền tệ, việc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) hạ lãi suất cơ bản xuống còn 0,5% và các chính sách nới lỏng định lượng cùng với các kích thích tài khóa lớn đã góp phần làm tăng nhanh các khoản nợ.

Điều này đặc biệt "có vấn đề" khi các hộ gia đình ở Hàn Quốc đang gia tăng các khoản vay không chỉ để mua nhà mà còn để tập trung cho các khoản đầu tư tài chính, cụ thể là mua cổ phiếu. Xu hướng đầu cơ tài chính này, bên cạnh sự phục hồi kinh tế rõ ràng, là yếu tố quan trọng đằng sau hai quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm vào ngày 26/8 và ngày 25/11 vừa qua.

... nhưng xuất khẩu ước tính sụt giảm

Tuy nhiên, trong năm 2022 tới đây, xuất khẩu của Hàn Quốc được ước tính sẽ giảm sút vì một số lý do cụ thể sau.

Trước hết, nhu cầu toàn cầu sẽ không mạnh như hiện nay, nhất là khi hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ đang giảm tốc rõ ràng. Hơn nữa, việc tăng lãi suất cơ bản của BoK cũng có thể làm giảm tiêu dùng và góp phần làm cho nợ hộ gia đình tăng cao hơn.

Về mặt tích cực, sự di chuyển xuyên biên giới sẽ giúp ích cho nền kinh tế mặc dù điều này thực sự vẫn phụ thuộc vào thời điểm Trung Quốc mở cửa biên giới bởi hầu hết khách du lịch đến Hàn Quốc là người Trung Quốc. Thật không may, các thông báo gần đây của cơ quan chức năng Trung Quốc không chỉ ra sự thay đổi trong "Chiến lược không COVID-19" của họ, khiến triển vọng của thị trường du lịch Hàn Quốc vẫn còn rất mờ mịt.

[Hàn Quốc: Nguồn thu từ thuế gia tăng nhờ kinh tế phục hồi]

Nhìn chung, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc được dự báo sẽ giảm tốc xuống còn 2,5% vào năm 2022, mức được coi là "khá mạnh" so với mặt bằng chung. Ở đây, vấn đề là lạm phát và địa chính trị. Giá nhiên liệu và các cú sốc nguồn cung khác (như thiếu phân bón) có khả năng sẽ đẩy áp lực lên giá lương thực, khiến chỉ số giá tiêu dùng ở Hàn Quốc tăng lên 2,4% vào năm 2022.

Việc BoK tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm sẽ giúp kiềm chế áp lực lạm phát nhưng trên thực tế, các yếu tố toàn cầu cũng quan trọng, không chỉ là chu kỳ giá cả hàng hóa mà còn cả sự gia tăng chi phí vận tải liên quan đến những thay đổi đột ngột trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một số thay đổi không chỉ liên quan đến đại dịch COVID-19 mà còn liên quan đến cả vấn đề địa chính trị. Bất chấp những rủi ro này, khó có thể mong đợi hành động nhiều hơn từ BoK vào năm 2022 bởi thể chế này không thể đánh giá thấp gánh nặng từ nợ hộ gia đình cao và tác động đối với tiêu dùng.

Nhìn chung, BoK có thể kết thúc năm 2022 với lãi suất cơ bản dao động ở mức 1,25%. Cuối cùng, nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Moon Jae-in sắp kết thúc và một cuộc bầu cử Tổng thống đã được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 9/3/2022. Chi tiêu tài khóa dưới thời chính quyền Tổng thống Moon Jae-in tăng cao trong khi lãi suất cơ bản vẫn duy trì ở mức thấp.

Bất chấp những cam kết dựa trên nền tảng "vì người nghèo" và tăng lương tối thiểu, giá tài sản Hàn Quốc (đặc biệt là nhà ở) đã tăng chóng mặt, tạo ra cảm giác bất an về kinh tế ở nước này.

Trong bối cảnh như vậy và được thúc đẩy cho sự thịnh vượng chung ở Trung Quốc - cũng như gợi ý về việc phân phối thu nhập tốt hơn của tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio - Tổng thống Moon Jae-in có thể có xu hướng đưa ra các biện pháp bổ sung để cải thiện phân phối thu nhập trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5/2022 tới.

Điều này có thể ngụ ý rằng Seoul sẽ áp mức thuế cao hơn đối với những người giàu hoặc chi tiêu nhiều hơn cho phúc lợi để nâng cao triển vọng tăng trưởng trong năm 2022.

Nhìn chung, 2022 là năm củng cố nền kinh tế đối với Hàn Quốc, một năm hậu đại dịch nhưng cũng là năm bầu cử, trong đó có nhiều vấn đề quan trọng (bao gồm tác động bất bình đẳng của đại dịch và sự gia tăng nhanh chóng của tiến bộ công nghệ...) sẽ cần được giải quyết.

Tác giả Alicia Garcia Herrero đi đến kết luận rằng tăng trưởng không nên được coi là nhiệm vụ trọng tâm và thậm chí sẽ không có lạm phát nếu BoK kiểm soát được áp lực lạm phát xuất phát từ chu kỳ hàng hóa và việc cải tổ chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, những rủi ro lớn vẫn đặc biệt hiện hữu, đó là từ cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như từ vấn đề trong mối quan hệ với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục