Kinh tế hai miền Đông-Tây Đức vẫn còn khá nhiều khác biệt

Bộ Kinh tế Đức cho biết 25 năm sau khi thống nhất đất nước, kinh tế tại miền Đông nước này vẫn đang phải "vật lộn" để cố bắt kịp sự phát triển của miền Tây.
Công nhân tại nhà máy sản xuất ôtô ở Leipzig. Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Bộ Kinh tế Đức ngày 25/6 cho biết 25 năm sau khi thống nhất đất nước, kinh tế tại miền Đông nước này vẫn đang phải "vật lộn" để cố bắt kịp sự phát triển của miền Tây, chủ yếu là do không có sự hiện diện của nhiều công ty và doanh nghiệp quy mô lớn tại đó.

Theo một nghiên cứu mới do tổ chức tư vấn kinh tế DIW thực hiện, gần như không có nhiều công ty hay tập đoàn lớn đặt trụ sở tại Đông Đức. Kinh tế Đông Đức có sự góp mặt của các công ty vừa nhỏ khá nhiều, với 20% lực lượng lao động làm việc cho các doanh nghiệp có số nhân công trên 250 người trở lên, so với con số tương ứng 50% tại Tây Đức.

Iris Gleicke, Ủy viên liên bang phụ trách về Nhà nước liên bang mới, cho biết tiến trình để miền Đông bắt kịp giữa miền Tây Đức đang bị đình trệ.

Nguyên nhân không chỉ là do vấn đề về tiền lương, mức độ thuê, cơ sở hạ tầng và tệ quan liêu, mà còn là vấn đề cách thức các công ty quốc doanh được "thiết kế lại" và tư hữu hóa sau khi thống nhất hai miền. Cơ quan nhà nước Treuhand phụ trách việc tư hữu hóa ủng hộ mô hình công ty vừa và nhỏ.

Báo cáo nghiên cứu DIW cho thấy tình trạng manh mún của nền kình tế Đông Đức tác động đến các yếu tố tăng trưởng, như vấn đề cơ cấu nguồn cung, năng lực đổi mới, sáng tạo và xuất khẩu.

Điều mà miền Đông Đức thiếu là các công ty lớn có thể giúp nâng cao tính cạnh tranh về nguồn cung, các chuỗi giá trị gia tăng, có thể trở thành những nền tảng giúp đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Đức kỳ vọng xây dựng một chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể mở rộng phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục