Theo kết quả thăm dò ý kiến các nhà kinh tế do hãng tin Bloomberg thực hiện, tỷ lệ thất nghiệp trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đứng ở mức trung bình 12% trong năm nay, trước khi có thể giảm vào năm 2015. Trong tháng 11 năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone đã lên tới mức kỷ lục 12,1%.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ), đối với nền kinh tế hàng đầu Eurozone là Đức, các nhà kinh tế dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn duy trì ở mức 6,9%, trong khi Hy Lạp tiếp tục có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất với 27,4%.
Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong khu vực đồng euro vẫn ở mức cao trong thời gian tới là việc hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng khi mà tốc độ tăng lương yếu ở hầu hết các quốc gia.
Trong lúc đó, tình hình kinh tế Anh, một trong những đầu tàu kinh tế châu Âu, đang có dấu hiệu chững lại. Theo phóng viên TTXVN tại Anh, tăng trưởng các ngành kinh tế của nước này đã có dấu hiệu giảm tốc trong tháng cuối cùng của năm ngoái, mặc dù chỉ số lòng tin kinh doanh vẫn ở mức cao so với nhiều năm gần đây.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) ngành dịch vụ - ngành đóng góp tới hơn 75% GDP của nước này - giảm từ 60 điểm trong tháng 11 xuống 58,8 điểm trong tháng 12, thấp nhất trong 6 tháng qua. PMI ngành xây dựng - đóng góp khoảng 7% GDP - cũng giảm từ mức cao kỷ lục 62,6 điểm xuống còn 62,1 điểm.
Một ngành kinh tế chính khác của Vương quốc Anh cũng có dấu hiệu giảm tốc là ngành chế tạo. PMI ngành chế tạo trong tháng vừa qua đạt 57,3 điểm, thấp hơn so với mức cao kỷ lục 58,1 điểm trong tháng trước đó.
Mặc dù giảm so với tháng trước nhưng PMI các ngành trên vẫn cao hơn nhiều so với ngưỡng 50 điểm - dấu hiệu cho thấy sản lượng ngành vẫn đang tăng trưởng. Ngoài ra, lòng tin kinh doanh ở tất cả các khu vực cũng như các ngành tại Anh đều gia tăng, với dự báo số lượng đơn hàng mới, doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh trong thời gian tới.
Một điểm đáng chú ý khác tại Eurozone là tỷ lệ lạm phát rất thấp tại nhiều nước. Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn số liệu của Cục Thống kê liên bang Đức, cho biết tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng cuối năm ngoái tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm 2012, song vẫn dưới mức chuẩn 2% theo quy định của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Trong cả năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng của Đức dự kiến chỉ tăng 1,5%, mức thấp nhất kể từ năm 2010.
Tại Italy và Tây Ban Nha, tỷ lệ lạm phát trong tháng cuối năm ngoái ở các mức tương ứng 0,6% và 0,3%. ECB đã phải cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 0,25% trong cuộc họp chính sách hồi tháng 11/2013 nhằm kích thích các nền kinh tế sau khi lạm phát ở Eurozone giảm 0,7% trong tháng 10/2013./.