Tháng 10 vừa qua, hoạt động kinh doanh tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chậm hơn nữa khi nhu cầu các ngành dịch vụ chủ yếu ngày càng suy giảm. Đây là kết quả khảo sát mới công bố ngày 6/11, cho thấy nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế Eurozone ngày càng cao.
Theo các dữ liệu chính thức, kinh tế Eurozone đã suy giảm 0,1% trong quý vừa qua. Trong khi đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 cho thấy nền kinh tế khu vực khởi động quý mới không mấy khả quan. Cụ thể, chỉ số PMI, do S&P tổng hợp và được coi là thước đo sát thực về sức khỏe nói chung của nền kinh tế, giảm từ mức 47,2 của tháng 9 xuống 46,5 trong tháng 10.
Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 khi các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 được siết chặt trên hầu hết châu lục. Với kết quả này, tháng 10 cũng là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số PMI của Eurozone ở mức dưới 50 - ngưỡng phân định kinh tế tăng trưởng hay suy giảm.
PMI lĩnh vực dịch vụ giảm từ mức 48,7 tháng 9 xuống 47,8 trong tháng 10. Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng của Hamburg Commercial Bank, nhận định dường như lĩnh vực dịch vụ của Eurozone sẽ còn khó khăn trong quý cuối cùng của năm. Khi hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục suy giảm, triển vọng không thực sự sáng sủa.
Theo chuyên gia này, GDP của Eurozone có thể sẽ giảm trong quý 4, trong đó Pháp là nền kinh tế có kết quả xấu nhất trong nhóm các nền kinh tế hàng đầu khu vực, Đức và Italy cũng chỉ nhỉnh hơn 1 chút.
Một khảo sát uy tín hồi tuần trước cũng cho thấy hoạt động sản xuất của Eurozone tiếp tục giảm mạnh hơn trong tháng 10 khi các đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập năm 1997.
[Tăng trưởng kinh tế Khu vực Eurozone trong quý 3 tiếp tục sụt giảm]
Bức tranh các ngành dịch vụ và chỉ số kinh doanh mới cũng không khá hơn khi giảm từ 46,4 của tháng 9 xuống mức 45,6, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021, phản ánh nhu cầu yếu trong bối cảnh giá cả leo thang, chi phí đi vay tăng khiến người tiêu dùng phải tiết kiệm chi tiêu hơn.
Tháng trước, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên mức lãi suất cao kỷ lục, chấm dứt chuỗi tăng lãi suất 10 lần liên tiếp. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng hiện vẫn còn sớm để bàn đến chuyện cắt giảm lãi suất.
Dù vậy, trong khảo sát mới vẫn có điểm sáng cho các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu khi áp lực giá cả bắt đầu có dấu hiệu giảm, giá cả đầu vào và đầu ra đều giảm so với tháng 9. Chỉ số giá cả đầu ra tổng hợp tháng 10 là 52, giảm nhẹ so với mức 52,2 của tháng 9 và cũng là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021./.