Ngày 28/4, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố dữ liệu cho thấy trong quý 1 năm nay, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ tăng trưởng 0,1% so với quý trước đó do ảnh hưởng bởi lạm phát cao và biến động lãi suất trên thị trường.
Trong khối Eurozone, Đức - nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU), ghi nhận tốc độ tăng trưởng trì trệ ở mức 0% so với quý 4/2022.
So với cùng kỳ năm ngoái, Đức là nền kinh tế duy nhất trong Eurozone chứng kiến mức suy giảm 0,1%.
Theo Eurostat, Đức vẫn đang chật vật ứng phó với tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, đặc biệt sau khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho phần lớn ngành công nghiệp của nước này.
Cũng theo Eurostat, quốc gia chứng kiến mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất là Bồ Đào Nha (1,6%), tiếp theo là Tây Ban Nha, Italy và Latvia (cùng tăng 0,5%). Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của EU, tăng trưởng 0,2%.
Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của Eurozone, chỉ ghi nhận tăng trưởng 0,2%.
Dữ liệu kinh tế của Eurozone phản ánh kết quả của quý cuối cùng của năm 2022, cũng tăng trưởng ở mức 0,1%, cho thấy khu vực này đã tạm thoát khỏi suy thoái nhờ những tác động từ việc mùa Đông ấm hơn, giá năng lượng hạ nhiệt, Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế cùng hiệu quả từ một số chính sách kích thích kinh tế.
Tuy nhiên, lạm phát cao vẫn là một yếu tố rủi ro đối với các nền kinh tế trong khối.
Mặc dù lạm phát của Eurozone đã giảm bớt, nhưng vẫn ở mức 6,9% trên cơ sở hằng năm, cao gấp 3 lần so với mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Dữ liệu trên phù hợp với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế Eurozone chỉ có thể tăng tốc vào năm tới.
Hiện dư luận đang đổ dồn sự chú ý vào cuộc họp chính sách tiếp theo của ECB dự kiến diễn ra ngày 4/5 tới. ECB đã tăng lãi suất tổng cộng 3,5% kể từ tháng 7 năm ngoái.
Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng này, Philip Lane, trong tuần này cho biết "bây giờ vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để chấm dứt chính sách tăng lãi suất."
[Tăng trưởng kinh tế tháng Tư của Eurozone cao nhất trong 11 tháng]
Trước đó, Giám đốc bộ phận châu Âu của IMF Alfred Kammer ngày 14/4 cho biết kinh tế châu Âu sẽ chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong năm nay, nhưng hầu hết các quốc gia sẽ tránh được suy thoái.
Theo dự báo của IMF được công bố hồi đầu tuần này, Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm nay và có thể tăng tốc hơn nữa trong năm sau.
Theo ông Kammer, chắc chắn có nguy cơ suy thoái ở một số quốc gia nhưng có thể ở mức độ nhẹ hơn các dự báo đưa ra trước đó. Đức là quốc gia duy nhất trong Eurozone mà IMF dự báo sẽ bước vào suy thoái trong năm nay.
Với việc bị hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, Đức sẽ cùng với Anh là hai quốc gia thành viên trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có khả năng suy giảm kinh tế trong năm 2023.
IMF ngày 11/4 đưa ra dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 2,8% trong năm 2023, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Một vừa qua.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới được công bố, IMF nhận định: "Ngày càng khó để nền kinh tế thế giới quay trở lại bắt kịp với đà tăng trưởng vốn chiếm ưu thế trong giai đoạn trước năm 2022."
Trong khi đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde vẫn bày tỏ sự lạc quan về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho rằng kinh tế thế giới sẽ suy thoái nhẹ trong năm nay.
Phát biểu trong chương trình truyền hình của đài CBS (Mỹ) ngày 16/4, bà Lagarde cho biết các dự báo kinh tế ở thời điểm hiện tại mặc dù đã giảm nhẹ mức đánh giá, nhưng vẫn tích cực và nhìn chung, nền kinh tế vẫn đang phục hồi.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB thừa nhận cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, sự bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ, cũng như tình trạng lạm phát tăng cao là những yếu tố gây bất ổn cho đà phục hồi này./.