Kinh tế Đức trước viễn cảnh u ám, cần đến 2 năm để có thể phục hồi

Viện DIW dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ trì trệ trong năm nay. Trong hai năm tới, sản lượng kinh tế dự kiến sẽ tăng lần lượt 0,9% và 1,4%, thấp hơn mức dự báo trước đó.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo cáo đánh giá mới nhất của Viện nghiên cứu kinh tế Đức DIW, giai đoạn yếu kém của nền kinh tế Đức vẫn tiếp diễn.

Các số liệu gần đây đều cho thấy nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu chưa thể thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại.

Kinh tế Đức tiếp tục trì trệ

Báo cáo cho biết sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức tăng nhẹ 0,2% vào quý 1 năm nay, diễn biến tích cực đã không tiếp tục diễn ra như kỳ vọng. Trong quý 2 năm 2024, sản lượng kinh tế Đức đã giảm nhẹ (0,1%).

Nguyên nhân chính là do một mặt, lĩnh vực tiêu dùng tư nhân không đạt được động lực tăng trưởng dù mức lương thực tế tăng; mặt khác, đầu tư của các doanh nghiệp cho nhà xưởng và thiết bị sản xuất sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, lĩnh vực xuất khẩu cũng giảm do nhu cầu của thế giới về hàng hóa công nghiệp của Đức ở mức thấp. Mặc dù xuất khẩu dịch vụ được thúc đẩy nhờ lĩnh vực du lịch nhưng không thể giúp ngăn chặn sự sụt giảm của tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong quý 3, nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn khó có thể phục hồi trở lại. Lĩnh vực tiêu dùng tư nhân có khả năng sẽ tăng trưởng nhưng không đạt mức độ mạnh mẽ như kỳ vọng.

Mức lương thực tế tăng mạnh kể từ giữa năm 2023 có thể sẽ hỗ trợ tiêu dùng tư nhân trong nửa cuối năm.

Tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mốc 2% trong tháng 8/2024 cũng phần nào củng cố niềm tin của người tiêu dùng và kích thích chi tiêu cá nhân.

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế không chắc chắn, cũng như mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng mất việc làm do số lượng doanh nghiệp phá sản tăng mạnh, có thể sẽ khiến các hộ gia đình phải cân nhắc nhiều hơn trong chi tiêu, khiến lĩnh vực này không tăng trưởng mạnh như kỳ vọng.

Các chỉ số tâm lý tiêu dùng vốn tăng đều trong nửa đầu năm nhưng gần đây lại suy giảm nhẹ, đã cho thấy điều này.

Lĩnh vực đầu tư có thể một lần nữa tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh tế trong quý hiện tại. Do nhu cầu hàng hóa, sản phẩm công nghiệp yếu nên sản xuất công nghiệp không có động lực tăng trưởng.

Lượng đơn hàng tồn đọng ngày càng giảm, trong khi số lượng đơn đặt hàng mới chỉ ở mức thấp. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất phải hạn chế các khoản đầu tư mở rộng nhà xưởng.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, nhu cầu về hàng hóa của Đức tiếp tục suy yếu trong quý hiện tại. Chỉ số kỳ vọng xuất khẩu của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo đã giảm lần thứ ba liên tiếp trong tháng 8/2024. Dự kiến lượng hàng hóa xuất khẩu của Đức sẽ giảm trong quý 3.

Lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là công nghệ và du lịch, vốn chiếm khoảng 20% tổng lượng xuất khẩu của Đức, có thể gia tăng nhưng không đủ để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nói chung.

Do xuất khẩu yếu và sản xuất công nghiệp trì trệ, lĩnh vực nhập khẩu nhiều khả năng cũng sẽ suy giảm. Do đó, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều khó có thể đóng góp tích cực cho sự phục hồi kinh tế.

Phục hồi chậm chạp

Theo dự báo của Viện DIW, nền kinh tế Đức có khả năng phục hồi trong hai năm tới. Tuy nhiên, mức độ phục hồi được cho là vẫn chậm hơn so với các dự báo trong mùa Hè.

Những nhân tố tích cực như tiền lương thực tế tăng, tỷ lệ lạm phát giảm, số lượng lao động thất nghiệp dự kiến sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2025 và giảm trở lại khi nền kinh tế phục hồi, có thể sẽ thúc đẩy lĩnh vực tiêu dùng tư nhân tăng trưởng nhanh hơn, hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế vào đầu năm 2025. Lĩnh vực chi tiêu công của chính phủ cũng sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP.

Lĩnh vực ngoại thương của Đức dự kiến sẽ tăng trở lại đáng kể trong năm tới. Nhu cầu về hàng hóa công nghiệp của Đức, được hỗ trợ bởi lãi suất giảm trên phạm vi toàn thế giới và hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngày càng tăng, có thể sẽ tăng trở lại.

Nhưng do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa của Đức khó có thể tăng trưởng năng động như trước kia.

Dòng xe ô tô di chuyển ở Berlin, Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết quả là, tỷ trọng của xuất khẩu dịch vụ trong tổng lượng xuất khẩu chung sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dự báo. Xuất khẩu gia tăng và sự cải thiện trong sản xuất công nghiệp cũng thúc đẩy lĩnh vực nhập khẩu phục hồi.

Nhu cầu từ nước ngoài tăng lên sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân vào thiết bị và nhà xưởng sản xuất từ nửa cuối năm tới.

Các doanh nghiệp có thể sẽ đầu tư nhiều hơn cho năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu hàng hóa gia tăng. Song tác động bắt kịp sẽ không được mong đợi trong suốt thời gian dự báo, vì ngành này dự kiến sẽ chỉ hồi phục chậm.

Lĩnh vực xây dựng có thể sẽ không tăng cho đến nửa cuối năm 2025, khi chi phí xây dựng dần ổn định trở lại. Việc xây dựng các khu dân cư được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng vào năm 2026. Ngược lại, đầu tư vào các công trình xây dựng khác (không phải khu dân cư) nhiều khả năng sẽ được mở rộng liên tục.

Viện DIW dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ trì trệ trong năm nay. Trong hai năm tới, sản lượng kinh tế dự kiến sẽ tăng lần lượt 0,9% và 1,4%, thấp hơn mức dự báo trước đó.

Trong trung hạn, do đầu tư yếu vẫn kéo dài và tiềm năng lực lượng lao động suy giảm, GDP của Đức được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng yếu cho đến cuối năm 2029.

Về lạm phát, trong năm 2024 tỷ lệ lạm phát trung bình được dự báo ở mức 2,2%. Trong năm 2025 và 2026, lạm phát sẽ chững lại ở mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Tỷ lệ lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) có thể ở mức 3% trong năm nay do giá dịch vụ tiếp tục tăng mạnh, sau đó sẽ giảm xuống mức 2% trong hai năm tới.

Những rủi ro từ trong nước

Ngoài những rủi ro toàn cầu làm tăng sự không chắc chắn cho triển vọng của nền kinh tế Đức, còn có các yếu tố rủi ro trong nước. Điều này trước hết bao gồm sự bất ổn về chính trị đang gần ở mức đỉnh điểm (theo Chỉ số bất ổn chính sách kinh tế).

Mặc dù chính phủ Đức mới đây đã đạt được sự nhất trí về dự thảo ngân sách năm 2025, nhưng tranh chấp dai dẳng giữa các đảng trong liên minh "Đèn giao thông" hiện tại vẫn gây nhiều lo ngại.

Điều này có thể tạo ra một khung chính sách kinh tế không rõ ràng, gây căng thẳng lớn hơn cho nền kinh tế trong nước.

Một yếu tố rủi ro bổ sung khác, đặc biệt đối với khu vực kinh tế Đông Đức, là kết quả các cuộc bầu cử cấp bang gần đây ở Thüringen, Sachsen và Brandenburg, cũng như sự trỗi dậy của các lực lượng dân túy ở đó.

Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động lành nghề và làm giảm sức hấp dẫn chung của địa điểm đầu tư kinh doanh.

Kết quả bầu cử của các đảng dân túy cánh hữu và cánh tả vừa qua cũng có thể tác động đáng kể tới cuộc bầu cử liên bang trong năm tới, làm tăng thêm sự không chắc chắn trong việc thành lập chính phủ mới sau bầu cử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục