Kinh tế Đức nhiều khả năng sẽ phục hồi vào năm 2022

Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy vào đầu năm 2022, nền kinh tế Đức có khả năng phục hồi trở về mức như trước khi khủng hoảng xảy ra.
Kinh tế Đức nhiều khả năng sẽ phục hồi vào năm 2022 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 13/10, Bộ trưởng Kinh tế Đức Olaf Scholz nhận định các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy vào đầu năm 2022, nền kinh tế Đức có khả năng phục hồi trở về mức như trước khi khủng hoảng xảy ra.

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Scholz đánh giá nợ công gia tăng không phải là vấn đề của Đức do nước này có thể khắc phục được thông qua mức “tăng trưởng khả quan.”

Bên cạnh đó, ông Scholz cũng bác bỏ quan ngại cho rằng viện trợ của nhà nước chỉ đang giúp các công ty có thể tồn tại sau khi gặp khó khăn về tài chính trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

[Kinh tế Đức dần phục hồi, sẽ sớm đạt quy mô trước khủng hoảng]

Thời gian qua, Chính phủ Đức đã thực hiện các biện pháp như cho phép các công ty hoãn đệ đơn xin phá sản cho tới cuối năm nay, thay vì tới cuối tháng 9 như hạn chót ban đầu.

Các biện pháp này đã giúp số công ty tuyên bố vỡ nợ tại Đức trong 6 tháng đầu năm đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ trưởng Scholz cho biết các công ty Đức đang đưa ra những quyết định và điều chỉnh cần thiết bất chấp khủng hoảng, chẳng hạn như cắt giảm nhân sự thay vì sử dụng viện trợ nhà nước, vốn sẽ giúp họ chỉ cần giảm giờ làm của nhân viên.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cảnh báo các ngân hàng Đức cần chuẩn bị cho trường hợp số công ty vỡ nợ gia tăng trong quý tiếp theo, trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh đẩy các công ty yếu kém vào tình cảnh khó khăn.

Do lệnh hoãn trả nợ đối với các công ty vỡ nợ đã hết hiệu lực, Bundesbank cho biết số doanh nghiệp vỡ nợ có thể tăng hơn 35% tới hơn 6.000 công ty/quý, mức cao nhất kể từ năm 2013.

Tác động tới các ngân hàng sẽ hạn chế hơn do ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng chỉ đóng góp chưa đến 2% các khoản vay tại ngân hàng Đức, thấp hơn nhiều so với mức 23% của ngành bất động sản và xây dựng.

Cùng ngày, kết quả thăm dò do viện ZEW tiến hành cho thấy lòng tin của các nhà đầu tư đã giảm mạnh trong tháng 10 trong bối cảnh số ca nhiễm tại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) tăng trở lại và căng thẳng Brexit leo thang.

Cụ thể, sau khi tiến hành thăm dò 171 nhà phân tích, chỉ số lòng tin của nhà đầu tư đã giảm xuống 56,1 điểm, từ 77,4 điểm vào tháng 9 vừa qua - mức cao nhất trong 20 năm. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5, thấp hơn nhiều so với mức dự báo là 74 điểm.

Chủ tịch viện ZEW Achim Wambach nhận định tình trạng số ca mắc COVID-19 tăng mạnh đã làm tăng rủi ro đối với triển vọng kinh tế, trong bối cảnh Anh có khả năng rời EU mà không đạt được thỏa thuận thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục