Một báo cáo mới đây của Viện Kinh tế Đức (IW) cảnh báo nền kinh tế Đức có nguy cơ thiệt hại hàng tỷ euro nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) leo thang.
Mối lo ngại này xuất phát từ tuyên bố của ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ lên 10%, thậm chí 20%, nếu ông trở lại Nhà Trắng.
Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Đức, điều có thể khiến nền kinh tế nước này dễ bị tổn thương trước các chính sách bảo hộ thương mại.
Báo cáo của IW phân tích hai kịch bản tiềm năng là ông Trump sẽ tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ lên 10% đối với tất cả các nước và 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2025.
Trong trường hợp đó, EU có thể trả đũa bằng cách áp thuế 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Kịch bản thứ hai là một cuộc chiến thương mại nghiêm trọng hơn, với cả EU và Mỹ áp thuế 20% lên hàng hóa của nhau.
Theo cơ sở dữ liệu thương mại Comtrade của Liên hợp quốc, năm 2023, Đức xuất khẩu khoảng 171,65 tỷ USD (158,75 tỷ euro) sang Mỹ, chủ yếu là dược phẩm, ôtô và vaccine, huyết thanh...
Ngược lại, Đức nhập khẩu khoảng 76,47 tỷ USD (70,70 tỷ euro) từ Mỹ, bao gồm xe cộ, thiết bị quang học và kỹ thuật, thiết bị điện và điện tử, nhiên liệu khoáng sản, máy bay, dược phẩm và tàu vũ trụ. Các lĩnh vực này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu chiến tranh thương mại leo thang.
Theo kịch bản 1, Đức có thể mất hơn 127 tỷ euro GDP (tính theo giá năm 2020) trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump. Kịch bản 2 còn tồi tệ hơn, với mức thiệt hại GDP lên tới 180 tỷ euro, tương đương giảm 1,5% GDP vào cuối nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump. EU cũng sẽ mất khoảng 1,3% GDP. Nguyên nhân chính dẫn đến GDP sụt giảm là đầu tư tư nhân giảm mạnh, trong khi tiêu dùng cá nhân ít bị ảnh hưởng.
Đức đặc biệt dễ bị tổn thương do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, trong khi Mỹ có khả năng tự cung tự cấp cao hơn.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng cảnh báo rằng thuế quan của Mỹ sẽ làm trầm trọng thêm những thách thức tăng trưởng hiện tại ở châu Âu, đặc biệt là đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức.
Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và gia tăng khoảng cách hiệu suất kinh tế với Mỹ. Rủi ro tăng trưởng gia tăng cũng có thể gây căng thẳng cho tài chính công, khiến việc đáp ứng các mục tiêu thâm hụt và nợ khó khăn hơn.
Theo Fitch Ratings, các nước châu Âu khác như Italy, Pháp và Tây Ban Nha cũng có khả năng phải đối mặt với thuế quan đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, ước tính mức thuế quan này từ 1% đến 2,6%.
Mức thuế cao nhất có thể sẽ được áp dụng đối với Italy, vì nước này xuất khẩu các mặt hàng như giày dép, may mặc và các mặt hàng xa xỉ khác, những mặt hàng phải đối mặt với nhiều loại thuế quan riêng lẻ.
Tuy nhiên, mức thuế cao nhất có thể sẽ được áp dụng cho những mặt hàng có giá trị thấp hơn, trong khi các mặt hàng có giá trị cao hơn có thể chịu ít thuế hơn.
Ông Thomas Obst, nhà kinh tế học cao cấp về Chính sách Kinh tế Quốc tế, Nghiên cứu Thị trường Tài chính và Bất động sản tại IW, cho biết chiến tranh thương mại gây bất lợi cho cả hai bên, đặc biệt là ngành công nghiệp xuất khẩu của Đức vốn đang gặp khủng hoảng.
EU cũng đang đối mặt với chiến tranh thương mại với Trung Quốc sau khi áp thuế lên xe điện Trung Quốc. Do đó, việc duy trì quan hệ thương mại tốt với các đối tác, bao gồm cả Mỹ và các đối tác tiềm năng mới như các nước Mỹ Latinh và Đông Nam Á, là rất quan trọng để củng cố vị thế toàn cầu của EU./.
Kinh tế Đức đối mặt cuộc suy thoái kéo dài hai năm
Những vấn đề mang tính cơ cấu dài hạn như sự thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề, nhiều năm thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tình trạng quan liêu quá mức, đang kìm hãm sự tăng trưởng của Đức.